Nên làm liền hay tách rời khi phục hình các implant đứng sát cạnh nhau

Chủ đề hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn về việc trồng răng giả lên các chân implant nằm sát cạnh nhau. Nên làm liền hay tách rời khi phục hình các implant đứng sát cạnh nhau? Mời các bạn cũng theo dõi bài viết.

Nếu các bạn được nha sĩ hỏi muốn làm tách rời hay nối implant, phần đa sẽ trả lời muốn làm giống như răng thật, việc nối implant có thể khiến bệnh nhân có cảm giác răng giả lắp vào miệng không thật và tương đối nặng nề. Nhưng những phỏng đoán này hoàn toàn là cảm tính. Tại Nha Khoa Thùy Anh, khi chúng tôi nối liên kết implant bệnh nhân vẫn ăn nhai cực kỳ thoải mái. Không hề có vấn đề gì về chức năng nhai nghiền như tưởng tượng ban đầu.

Phục hình làm liền 2 bên răng hàm

Làm phục hình tách rời hay nối liền implant với nhau là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong nha khoa. Nếu như phục hồi toàn hàm với các giải pháp all on 4, all on 6 việc làm liền coi như là một trong những ưu thế, có tác dụng hỗ trợ phục hình. Thì với implant phân đoạn cấy sát cạnh nhau khiến bác sỹ liên tưởng đến răng tự nhiên. Với răng tự nhiên, bất cứ khi nào có thể giải pháp làm tách rời luôn được ưu tiên trừ trường hợp có các vấn đề bệnh lý mất chất nặng, răng lung lay phải nẹp và tái tạo khớp cắn giảm tải lực. Trên răng tự nhiên dễ thấy ưu điểm của việc làm rời là dễ dàng tạo ra tính kín khít, thuận lợi trong việc vệ sinh bảo vệ mô nha chu. Điều này liệu có còn đúng trên implant?

Thực sự ra implant không giống với răng thật, xung quanh răng thật có bộ phận dây chằng giảm xóc và cảm biến nhờ các receptor. Ngược lại implant lại tích hợp cứng chắc, nó rất ổn định trong xương hàm, ổn định cả mô mềm mô cứng xung quanh do không có độ rung tự nhiên. Cũng cần nói thêm chính việc thiếu vắng các proprioceptive feedback trong dây chằng nha chu khiến việc cảm nhận các lực overloading của implant không tồn tại. Và đây là lý do nhiều nhà lâm sàng muốn liên kết implant vào với nhau.

Răng implant không có dây chằng nha chu quanh răng như răng tự nhiên

Trong y văn cũng có những guideline hướng dẫn về việc nên thực hiện tách rời hay hòa vào làm một khối. Các hướng dẫn này chủ yếu đưa ra tiêu chí lựa chọn ca liên quan đến chiều dài implant, các vấn đề khớp cắn, tình trạng vệ sinh răng miệng, thiết kế kiểu kết nối abutment, và tính khít sát thụ động của răng sứ bên trên.

Những người theo quan điểm phục hình tách rời thì cho rằng mảng bám chính là nguyên nhân về mặt sinh học lớn nhất gây nên viêm quanh implant. Làm tách rời sẽ dễ dàng tạo ra các khít sát thụ động (passive fit) cũng như làm sạch vùng tiếp giáp thuận lợi cho vệ sinh răng. Ngoài ra, với việc tách rời từng chiếc sẽ dễ dàng hơn trong việc tạo ra các thiết kế mô mềm với đường viền uốn lượn tự nhiên đủ độ loe như răng thật.

Tuy nhiên, quan điểm ủng hộ làm nối liền lại cho rằng việc nẹp liên kết giúp chống quá tải khớp cắn, nguy cơ lỏng vít và sút phục hình sứ trên chân implant. Mặc dù vậy có rất ít bằng chứng về chuyện làm rời hay làm liền ảnh hưởng đến sự tích hợp xương.

Phục hình nối liền trên 3 chân răng implant (ảnh minh họa)
Phục hình tách rời trên chân răng implant (ảnh minh họa)

Một số vấn đề đương đại cần làm sáng tỏ để mà quyết định nẹp hay không nẹp bao gồm:

  •       Có thật làm phục hình nối liền sẽ tăng độ ổn định cũng như tăng khả năng kháng lại lực nhai cực đại tạo ra trong quá trình hoạt động chức năng không.
  •       Làm liền có giảm tỷ lệ bị gãy, vỡ sứ không
  •       Làm liền có thực sự giảm được tỷ lệ lỏng vít kết nối.
  •       Làm liền có ảnh hưởng tiêu cực gì đến các vấn đề sinh học quanh implant không
  •       Phục hình nối liền có giảm nhu cầu phải làm điều trị nâng cao như ghép xương, ghép mô mềm.
  •       Làm dính liền có thuận lợi trong việc tháo implant xử lý cũng như các tình huống phát sinh không?

Với những trường hợp phục hình bị mất nhú lợi thì việc làm liền giúp bù trừ bằng cách thêm sứ vào lợi giả, tình huống này hay gặp khi cấy ghép vùng răng cửa đòi hỏi tính thẩm mỹ. Nếu làm tách rời thẩm mỹ có thể sẽ không đảm bảo hoặc phải tăng cường các điều trị gia tăng thể tích mô rất phức tạp.

789 (1)
Phục hình liền 2 răng cửa (ảnh minh họa)

Xem xét về hiệu quả kinh tế cho bệnh nhân trong một số tình huống cấp cứu, làm liền sẽ thuận lợi khi lỡ 1 implant bị rụng. Khi đó chỉ với những implant còn lại vẫn có thể tải lực và bệnh nhân không phải làm lại răng mới.

phuc-hinh-lien-hay-roi-tren-implant
Phục hình cầu răng trên implant (ảnh minh họa)

Một trong những giá trị lớn nhất theo chúng tôi nên xem xét đó là sự dắt thức ăn. Khi làm phục hình nối liền vấn đề dắt thức ăn giữa 2 implant sẽ không còn nữa, mặt khác thói quen ăn uống của người Việt rất hay ăn đồ xơ, dai và nấu không nhừ. Việc vệ sinh răng miệng với chỉ nha khoa, tăm nước đôi khi không khiến bệnh nhân không thấy thoải mái cũng như hợp tác tốt với nha sĩ. Trong các nghiên cứu ở nước ngoài vì bệnh nhân họ vệ sinh vùng kẽ implant rất tốt nên những kết quả thu được có thể không còn phù hợp với người Việt chúng ta nhất là chưa có nghiên cứu nào đánh giá về độ hài lòng trong trải nghiệm ăn nhai cũng như chăm sóc. Do vậy làm liền tình huống đó lại là giải pháp tốt.

Chúng ta cùng đến với một tổng quan hệ thống Systematic Review do nhóm tác giả Victor Batista thực hiện vào năm 2019 đánh giá vấn đề tiêu viền xương, tỷ lệ sống implant và các thất bại phục hình khi so sánh việc tách rời và nối liền các implant với nhau.

Link tham khảo: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29961632/

Nghiên cứu đã tổng hợp 19 nghiên cứu, bao gồm một cỡ mẫu cộng gộp 4215 implant trên 2185 người trong đó có 2768 cây implant được thực hiện nối liền và 1447 implant làm tách rời thời gian theo dõi tính trung bình là 87,8 tháng (biên giao động 1 năm – 22 năm) thấy rằng, không có khác biệt về tỷ lệ tiêu xương quanh implant giữa 2 nhóm, không có khác biệt về tỷ lệ thất bại phục hình răng sứ giữa 2 nhóm. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của implant lại có khác biệt có ý nghĩa thống kê khi bên nẹp nối liền tỷ lệ sống implant là 99,1%, bên làm rời tỷ lệ sống thấp hơn khi có đến 51 cây implant bị rụng ứng với tỷ lệ sống 96,5%.

Kết quả từ nghiên cứu này gợi ý rằng, vấn đề lo ngại về việc tích tụ mảng bám giữa các implant được nối liền có thể không có căn cứ khi tỷ lệ tiêu xương viền giữa 2 nhóm nghiên cứu hoàn toàn không khác biệt. Tuy nhiên sự liên kết implant có thể có ý nghĩa về phương diện tải lực bổ trợ cũng như chống lại các đỉnh lực overload. Và đương nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để có thể chứng minh cho giả định về chống quá tải lực vì thực tế tỷ lệ sống của implant phụ thuộc nhiều yếu tố.

Hiện nay vì chưa có bằng chứng về việc làm liền hay làm rời khi phục hình implant liền kề cái nào tốt hơn cái nào nên nha sĩ có thể chọn bất cứ phương án nào cho bạn. Nếu bạn có một chế độ vệ sinh tốt, tuân thủ các lời dặn nha sĩ thì có thể làm rời để tiện lợi trong việc làm sạch vùng tiếp giáp 2 implant theo quan điểm riêng của nha sĩ, nếu việc vệ sinh răng miệng dắt thức ăn khiến bạn tương đối phiền lòng thì có thể làm nối liền. Tại Nha Khoa Thùy Anh thì chúng tôi thường chọn phương án nối liền và bệnh nhân đều phản hồi tích cực, và với các bằng chứng cũng như nghiên cứu tổng quan ở trên thì chúng tôi có đủ lý luận để theo đuổi triết lý của mình. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục