Hướng dẫn sử dụng răng sứ chuẩn bền đẹp? Nha khoa Thùy Anh
Sau khi tân trang nụ cười bằng hàm sứ răng trắng đẹp, hoặc mới trồng lại một chiếc răng bị mất lâu ngày, hẳn ai cũng muốn tìm hiểu về cách vệ sinh và sử dụng như thế nào để những chiếc răng sứ luôn bền đẹp tựa khi mới làm. Những câu hỏi này dường như rất đơn giản và được sự quan tâm của nhiều người, nhưng nó vẫn chưa có một lời giải đáp cụ thể. Bởi vậy trong bài viết dưới đây, bác sĩ Huy đến từ khoa phục hình và phẫu thuật trong miệng tại nha khoa Thùy Anh sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng răng sứ bền đẹp nhất.
Hướng dẫn sử dụng răng sứ chuẩn bền đẹp
Như bạn biết, sứ nha khoa chỉ định trong những trường hợp
+ Chụp bọc răng thẩm mỹ , veneer thẩm mỹ. Cải thiện hình thể, màu sắc, và độ lệch lạc răng
+ Trồng cầu răng, cấy chân implant thay thế răng mất.
+ Phục hồi răng sâu, vỡ lớn với miếng dán sứ onlay, inlay…
+ Hàm tháo lắp yêu cầu tính thẩm mỹ cao người ta cũng sử dụng vật liệu sứ.
Chúng ta phải bỏ ra một khoảng thời gian dài với những trải nghiệm như đau khi tiêm tê, khó chịu vì mang răng tạm, thời gian chờ lắp răng ăn nhai khó khăn cũng như bỏ một khoản chi phí khá lớn để sở hữu răng sứ trong miệng, chắc chắn không ai muốn làm đi làm lại bộ răng của mình nhiều lần. Bởi vậy khi làm răng sứ bạn cần chú ý những vấn đề sau:
Sau khi lắp răng sứ cần kiêng ăn nhai trong 1h đầu
Răng sứ kết nối răng thật bằng hệ thống keo dán. Hiện nay các hệ thống keo dán có thể kích hoạt đông cứng nhanh bằng đèn quang trùng hợp với thời gian khoảng 40s. Tuy nhiên để đảm bảo lớp keo dán đông cứng hoàn toàn, tránh hiện tượng đứt gãy trong lòng răng sứ chúng ta nên kiêng ăn nhai trong 1h đầu.
Tránh đồ ăn, đồ uống nóng và lạnh
Hiện tượng ê buốt sau lắp có thể gặp ở những răng còn tủy do quá trình mài sửa soạn răng gốc để tiếp nhận răng sứ gây nhạy cảm. Do đó bạn nên tránh những đồ ăn, đồ uống nóng lạnh như: nước giải khát bỏ trong tủ lạnh, đồ uống có đá, hoa quả lạnh, kem, nước canh nóng, cháo hoặc bún phở nóng… Vào mùa đông bạn có thể sẽ phải chải răng với nước ấm.
Tình trạng này sẽ giảm dần và hết hẳn sau khoảng 3 – 4 tuần. Trong thời gian chờ hồi phục bạn có thể sử dụng các loại kem đánh răng có tác dụng chống ê buốt như Sensodyne, colgate sensitive, Ps sensitive…
Tuy nhiên nếu hiện tượng ê buốt kéo dài hoặc xuất hiện đau thì bạn nên quay lại nha khoa để được bác sĩ thăm khám. Nếu bạn có thói quen dùng đồ ăn, đồ uống quá nóng, quá lạnh bạn cũng nên giảm dần và hạn chế tối đa để đảm bảo sức khỏe răng miệng không chỉ răng sứ mà cả răng thật, vì răng thật cũng rất dễ bị nứt nếu gặp sự thay đổi nhiệt độ đột ngột như quá nóng hoặc quá lạnh.
Massage lợi sau khi lắp răng
Vùng lợi là một mô mềm ôm quanh răng tạo nên thẩm mỹ hồng cho nụ cười. Trong quá trình làm răng lợi của bạn phải chịu những tác động do việc tiêm tê, đặt chỉ co lợi, hoặc răng tạm tì đè làm cho lợi dễ bị chợt, bị nhiệt thậm chí bị co lợi. Việc massage giúp tăng cường tuần hoàn máu đồng thời giúp lợi định hình và duy trì ôm sát cổ răng sứ giảm thiểu tình trạng tụt lợi. Bạn nên thực hiện massage hàng ngày vào mỗi buổi sáng và buổi tối sau khi chải răng
Cách thực hiện như sau: Bạn đặt ngón trỏ tương ứng vùng lợi răng cửa giữa di chuyển nhẹ ngón tay dọc theo lợi từng răng cho tới vùng răng hàm với động tác xoay tròn và xuôi về phía thân răng. Bạn thực hiện lần lượt từ bên phải qua bên trái, hàm trên xuống hàm dưới. Ở mỗi vùng thực hiện khoảng 3 lần.
Ngoài ra trên thị trường có một số dụng cụ massage lợi chuyên dụng bạn có thể tham khảo để mua. Dùng cách nào cũng được, nhưng bạn hãy chú ý nếu dùng tay thì phải rửa tay sạch trước khi cho vào miệng massage, dùng các đồ chuyên dụng thì bảo quản thật khô ráo.
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Bao gồm chải răng, sử dụng nước súc miệng, sử dụng chỉ tơ nha khoa. Với những bạn có răng sứ kết hợp với niềng răng thì máy tăm nước và bàn chải kẽ rất hữu ích.
Giữa phần được bọc sứ và phần răng thật còn lại có một vùng ranh giới được gọi là đường hoàn tất. Vị trí đường hoàn tất thường bác sĩ đặt ngang lợi hoặc dưới lợi 0.5mm. Một số trường hợp đặc biệt như răng bị tụt lợi hoặc ở những răng không yêu cầu thẩm mỹ bác sĩ mới lựa chọn đặt đường hoàn tất trên lợi. Việc vệ sinh răng không đúng cách có thể dẫn tới tình trạng viêm lợi, tụt lợi làm lộ đường hoàn tất gây mất thẩm mỹ đặc biệt vùng răng cửa hàm trên.
Một số bạn có thói quen sử dụng tăm xỉa răng, đây là một thói quen có hại. Tăm thường làm bằng tre cứng, bảo quản có khi không tốt, cạnh sắc và kích thước lớn, nếu đưa vào vùng kẽ răng sẽ làm tổn thương nhú lợi lâu dần gây tụt lợi, mòn cổ tạo thành những tam giác đen gây mắc thức ăn và mất thẩm mỹ nếu ở vùng răng cửa. Các bạn nên thay đổi thói quen này bằng việc sử dụng chỉ tơ nha khoa hoặc các loại tăm nha chu chuyên dụng.
Tránh ăn nhai, cắn xé đồ cứng
Răng sứ có độ cứng bằng thậm chí là lớn hơn răng thật tuy nhiên đi kèm với độ cứng cao là độ giòn và độ chịu nén cũng kém. Quan sát bảng so sánh dưới đây có thể thấy các vật liệu sứ chúng ta hay sử dụng như zirconia có độ cứng tới 620 MPa trong khi men răng có độ cứng tối đa 180 MPa. Nhưng chúng ta vẫn gặp tình trạng vỡ sứ, ngoài các yếu tố kỹ thuật thì việc sử dụng răng sứ với lực nhai, cắn xé quá tải một cách đột ngột cũng là nguyên nhân gây vỡ sứ.
Để tránh tình trạng vỡ sứ trong quá trình ăn nhai bạn cần chú ý:
+ Giai đoạn đầu khi mới lắp răng sứ để làm quen với việc ăn nhai bạn nên ăn thức ăn mềm như: cháo, súp, bún phở, sau khoảng 1-2 ngày bạn có thể ăn cơm với thức ăn mềm như thức ăn hầm, luộc, thịt xay. Khi đã quen dần với răng sứ bạn có thể ăn nhai bình thường với thịt, rau, củ quả… Việc ăn nhai với độ cứng tăng dần giúp mô quanh răng thích nghi áp lực nhai trong trạng thái khớp cắn mới, và cũng giúp cho bạn cảm nhận độ cứng của từng loại thức ăn tránh tải lực quá mức lên răng sứ.
+ Nếu bạn có răng sứ vùng răng cửa thì tránh dùng răng đó để cắn xé thức ăn và vật cứng như: nắp bia, cắn bút, cắn chỉ hoặc dây thép, tước mía, cắn hạt dưa, cắn xương sụn, chân gà…
+ Nếu bạn có răng sứ vùng răng hàm thì với những đồ ăn cứng như xương bạn cần tránh ăn nhai vào răng đó, hoặc bạn sẽ phải nhai rất từ từ để cảm nhận độ cứng của thức ăn, nếu cảm thấy phải dùng lực nhai quá mức hoặc cưỡng thì nên dừng lại để tránh tình trạng vỡ đôi răng sứ.
+ Với những bạn có thân răng thật bị sâu lớn, mất tổ chức nhiều, bác sĩ phải lấy tủy sau đó đặt chốt hoặc làm thân răng nhân tạo trước khi bọc răng sứ ra ngoài. Bạn cần phải rất chú ý khi ăn nhai, tuyệt đối không dùng răng này để cắn xé bất kì loại thức ăn nào vì lực cắn xé có thể làm gãy thân răng bên trong của bạn.
Trường hợp thân răng được tái tạo bằng cùi kim loại trước khi bọc sứ, phần răng thật còn lại ít nên rất dễ bị gãy nếu tác động một lực cắn xé quá mức.
Loại bỏ những thói quen không tốt
+ Giảm thiểu tối đa hoặc loại bỏ trà, coffee, thuốc lá… vì những chất này có thể tạo thành những mảng bám màu lên trên răng sứ, thuốc lá còn làm thâm đen lợi, tụt lợi ảnh hưởng rất nhiều tới thẩm mỹ. Tuy nhiên nếu răng sứ bị bám màu chúng ta có thể tới nha khoa đánh bóng để làm sạch hoàn toàn những mảng bám đó.
+ Thói quen nghiến răng: Nghiến răng ảnh hưởng rất xấu tới bộ răng của bạn. Chúng gây mòn và vỡ cả răng sứ lẫn răng thật. Nếu bạn có tình trạng nghiến răng nên tham khảo ý kiến của nha sĩ để khắc phục tình trạng đó ví dụ như đeo máng nhai bảo vệ ban đêm.
Khám răng định kỳ
Bạn nên tái khám định kỳ 6 tháng/1 lần để bác sĩ lấy cao răng làm sạch răng cho bạn. Mỗi lần tái khám bác sĩ có thể kiểm tra khớp cắn xem răng sứ của bạn có đang bị chịu tải lực quá mức không. Việc thăm khám định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề và xử lý một cách đơn giản nhất.
Hi vọng cách sử dụng răng sứ đúng cách trên sẽ giúp các bạn có thể duy trì những chiếc răng bền và thẩm mỹ theo thời gian. Mọi thắc mắc và yêu cầu giải đáp bạn đọc vui lòng để lại thông tin và liên hệ với bác sĩ chuyên khoa của chúng tôi qua địa chỉ dưới đây.
>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/dan-su-veneer-phuong-phap-tham-my-rang-duoc-ua-chuong-nhat-hien-nay-voi-triet-ly-xam-lan-toi-thieu/
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh