Đen viền nướu sau bọc răng sứ: Nguyên nhân và cách khắc phục

Bọc răng sứ không còn xa lạ gì khi chúng ta gặp vấn đề muốn cải thiện về thẩm mỹ răng như răng sâu, sứt mẻ, răng thưa, răng tối màu,… Tuy nhiên, một số người gặp tình trạng sau khi bọc răng sứ một thời gian, đường viền nướu ở răng giả đổi màu đen hơn so với các răng khác. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới thẩm mỹ nụ cười và sự tự tin. Vậy nguyên nhân là do đâu, có khắc phục được không, và khắc phục như thế nào? Bác sĩ Bình – chuyên gia thẩm mỹ răng sứ tại nha khoa Thùy Anh sẽ giải đáp chi tiết thông tin về tình trạng đen viền nướu sau bọc răng sứ qua bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây đen viền nướu sau bọc sứ

    1. Răng sứ có lõi bên trong bằng kim loại

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất trong các nguyên nhân gây đen viền nướu. Răng sứ kim loại được làm với một sườn kim loại, sứ được phủ phía ngoài để tăng tính thẩm mỹ, thông qua trung gian một lớp oxit kim loại che màu. Từ lịch sử xa xưa của quá trình tìm kiếm vật liệu phục hồi thẩm mỹ, tương thích sinh học với cơ thể con người, răng sứ thời kỳ đầu được chế tạo bằng cách đắp bột sứ lên cùi răng thạch cao rồi đem nung, thường rất giòn, yếu và dễ gãy vỡ. 

Cho tới năm 1962, Weinstein và cộng sự gia tăng hệ số giãn nở nhiệt của hợp kim phù hợp với sự giãn nở nhiệt của sứ, răng sứ có lõi kim loại ra đời, kết hợp cả tính chất thẩm mỹ của sứ và độ bền của kim loại. Trong vòng hơn 40 năm, răng sứ kim loại là lựa chọn tốt nhất.  Nhưng theo thời gian, nhu cầu thẩm mỹ ngày càng tăng cao, răng sứ kim loại dần bị thay thế bởi răng sứ toàn phần, cũng một phần vì lý do gây đen viền nướu của nó. 

Có những ca phục hình răng sứ cách đây 10 -15 năm trước bằng sứ kim loại, và hiện tại ăn nhai cũng rất tốt, lợi không viêm, chứng tỏ độ bền rất cao, chỉ gặp duy nhất vấn đề về đen viền nướu. Cách khắc phục rất đơn giản, chỉ cần thay răng sứ kim loại màu bằng răng toàn sứ.

Vật liệu kim loại làm sườn của mão răng bị oxy hóa theo thời gian. Vật liệu làm sườn kim loại có thể chia làm các nhóm: Niken-Crom; Titanium, kim loại quý (Au,Pt). Theo lí thuyết, chỉ có hợp kim Niken-Crom là dễ bị oxi hóa nhất, còn Titan và nhất là kim loại quý thì không bị oxy hóa, có tính trơ về mặt hóa học trong môi trường miệng. Nhưng trên thực tế, trong quá trình sản xuất không thể tránh khỏi việc lẫn các tạp chất. Chính vì vậy, lõi kim loại lẫn tạp chất trong chụp thường bị oxy hóa sau một thời gian sử dụng tạo ra các oxit kim loại, giải phóng ra vùng lân cận đường hoàn tất, gây nhiễm màu ở nướu. Sự oxy hóa kim loại ngày càng tăng lên và giải phóng ra nhiều, khi đường hoàn tất không khít, tạo điều kiện cho các tác nhân oxy hóa dễ tiếp xúc với kim loại. 

Hình ảnh đen viền nướu do răng sứ kim loại

Hiện nay, chúng tôi cũng khuyến cáo với những phục hình cho vùng răng cửa là vùng răng yêu cầu thẩm mỹ cao nên lựa chọn răng toàn sứ. Răng sứ toàn phần hiện nay đã có chi phí rất hợp lý, chỉ từ 3 triệu trở lên là có chiếc răng sứ có màu sắc tự nhiên như răng thật mà không lo bị đen viền lợi. 

Nếu vì vấn đề kinh tế mà không lựa chọn được răng toàn sứ, các bạn nên cân nhắc răng sứ Titan, so răng Titan ít bị oxy hóa hơn răng Niken-Crom. Đồng thời khi sửa soạn cùi răng, bác sĩ cũng cần đảm bảo đúng kỹ thuật, độ dày của đường hoàn tất, và đưa đường hoàn tất dưới lợi để che màu kim loại càng nhiều càng tốt.

Răng sứ toàn phần đảm bảo thẩm mỹ răng, không đen viền nướu

2. Nướu mỏng, tụt nướu

Chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho răng sứ kim loại, bởi có những trường hợp bệnh nhân làm răng sứ toàn phần, vẫn thấy bị đen viền nướu. Nguyên nhân là do dạng sinh học của nướu quá mỏng. Có thể kiểm tra độ mỏng của viền nướu bằng cách dùng cây đo túi đặt vào rãnh lợi, kiểm tra xem có bị ánh màu không. Nướu quá mỏng sẽ dẫn tới hiệu ứng                    quang học, tức là màu sắc nướu vẫn bình thường nhưng ta nhìn thấy nướu bị đen đi, khi đằng sau nướu là một vật tối màu. Vật tối màu đó có thể là:

    • Răng chết tủy, chân răng đổi màu
    • Cao răng, mảng bám, đặc biệt là cao răng huyết thanh
    • Sườn kim loại bị lộ
    • Sử dụng cùi giả để tái tạo 

Răng chết tủy, đổi màu cũng thường là chỉ định bọc răng sứ để đảm bảo chức năng, thẩm mỹ. Kể cả khi bệnh nhân và nha sĩ đã lựa chọn răng sứ toàn phần, nhưng nếu không chú ý một vài tiểu tiết nhỏ, cũng có thể dẫn đến thất bại về mặt thẩm mỹ. Răng chết tủy đa phần sẽ sậm màu hơn các răng khác, thậm chí màu đen. Dẫn tới khi răng toàn sứ quá trong, viền nướu quá mỏng, ta vẫn có nhìn thấy nướu bị đen đi. Khi phát hiện nướu mỏng, bởi nha sĩ ít khi có thể thay đổi được dạng sinh học của nướu, nên để phòng tránh đen viền nướu, ngoài việc lựa chọn đúng vật liệu, cần quan tâm tới màu sắc của cùi răng. Nếu như cùi răng quá sậm, cần tẩy trắng cùi trước khi làm răng sứ. Với trường hợp răng gãy, cần cắm chốt tái tạo cùi, ưu tiên cắm chốt sợi, chốt thạch anh hơn chốt kim loại, ưu tiên cùi đúc bằng sứ hơn cùi kim loại. 

Trường hợp làm cầu răng sứ kim loại nhiều năm trước, hiện nay cầu răng tụt lợi, hở cổ chân răng màu đen. Cùi răng bên trong màu đen. Bệnh nhân được cấy implant răng mất, tẩy trắng cùi và làm lại răng sứ toàn phần. Kết quả làm hài lòng cả nha sĩ và bệnh nhân.

Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng bọc sứ rồi không cần lấy cao răng nữa. Đúng là răng sứ thường trơn, nhẵn, ít gây bám cao răng hơn thông thường, nhưng vùng tiếp nối giữa răng thật và răng sứ, vị trí rãnh lợi, vùng kẽ răng vẫn có thể lắng đọng cao răng. Cao răng huyết thanh là cao răng hình thành từ dịch tiết và máu chảy từ túi lợi, thường có màu đen. 

Khác với cao răng nước bọt, màu trắng hoặc vàng dễ nhìn thấy trên nướu, cao răng huyết thanh thường nằm dưới nướu, nếu đi kèm mô nướu mỏng, màu đen của cao răng huyết thanh có thể ánh ra, có hình ảnh đen nướu. Với trường hợp này, xử trí không phức tạp, chỉ cần lấy sạch cao răng dưới nướu. 

Tuy nhiên, đây là vùng khó tiếp cận của dụng cụ, kỹ thuật lấy cao răng cũng cần rất chuẩn xác, làm sao để đầu siêu âm chỉ chạm vào vùng cao răng, mà không đi quá sâu xuống bên dưới gây đau, tổn thương nướu. Nên để cường độ đầu siêu âm ở mức nhỏ nhất, do nếu đầu lấy cao với cường độ cao chạm vào sứ vùng cổ răng có thể gây bong vỡ sứ vùng cổ, hoặc gây xước bề mặt sứ.

Bệnh nhân đã làm cầu răng toàn sứ, nhưng sau một thời gian sử dụng, thấy đen vùng cổ răng. Trường hợp này là do cao răng, tụt nướu. Bệnh nhân được tiến hành làm sạch cao răng, điều trị viêm lợi, phẫu thuật điều trị tụt nướu và làm lại cầu răng sứ.

Tụt nướu cũng là một nguyên nhân gây cảm giác đen viền nướu, đặc biệt trong những trường hợp màu răng thẩm mỹ trắng nổi bật, còn chân răng sậm màu do nhiễm tetracycline. Khi tụt nướu, cổ chân răng sẽ lộ ra, sự tương phản màu sắc giữa răng sứ và chân răng sậm màu gây cảm giác đen. Tụt nướu vùng kẽ cũng gây hiện tượng tam giác đen, là khoảng trống vùng kẽ răng không được gai nướu lấp đầy, khi cười thấy nhiều khoảng hở màu đen. Trong trường hợp này, tùy mức độ tụt nướu, có thể cần phẫu thuật ghép nướu hoặc làm lại chụp sứ phù hợp với đường viền nướu mới. Cần loại trừ các nguyên nhân gây tụt nướu như: chải răng ngang, chải quá mạnh, bệnh nha chu, sang chấn khớp cắn,…

Một vài trường hợp rất đặc biệt, nướu có sẵn màu đen, do bẩm sinh di truyền hoặc do hút thuốc lá, không phải do chụp sứ. Để làm cho màu nướu hồng trở lại, có thể tiến hành khử thâm lợi bằng laser.

Lợi ban đầu có sẵn sắc tố màu đen

3. Đường hoàn tất không kín khít, thiết kế phục hình và kĩ thuật lắp răng sai

Đường hoàn tất trong chụp sứ hoặc sứ toàn phần đều phải đảm bảo: 

    • Lấy đủ chiều dày mô răng
    • Liên tục và trơn nhẵn, đường hoàn tất không bị dư hoặc lẹm
    • Kín khít giữa răng và phục hình

Nếu đường hoàn tất không đủ tiêu chuẩn sẽ dẫn tới những thất bại của phục hình, trong đó có việc làm đen viền nướu. Khi đường hoàn tất không kín khít thì đương nhiên có khoảng hở tồn tại và xi măng gắn sẽ chiếm chỗ vào khoảng hở đó khi gắn mão, cũng rất khó kiểm soát được vấn đề trơn nhẵn của xi măng trong trường hợp này. Xi măng cũng có thể thoái hóa, bong ra, gây hở vi kẽ, dẫn tới việc tích tụ chất màu, mảng bám, màu của ion sắt trong hemoglobin giải phóng ra khi chảy máu do viêm lợi,…dẫn tới hiệu ứng quang học nhìn thấy viền nướu bị đen. Hậu quả tương tự cho việc lắp răng sai kỹ thuật, không kiểm soát xi măng ở đường hoàn tất. Ngược lại với thiếu đường hoàn tất, đường hoàn tất quá dư có thể chèn ép vào lợi gây thiểu dưỡng làm lợi đổi màu.

Ca lâm sàng đen viền nướu do kết hợp nhiều nguyên nhân. Răng sứ 11,12 bị hở đường hoàn tất, gây sâu răng, trên nền răng chữa tủy sậm màu; răng 21,31,41 có cao răng huyết thanh màu đen. Bệnh nhân được tiến hành lấy sạch cao răng, tháo răng sứ, sửa soạn lại cùi răng theo đúng tiêu chuẩn, tẩy trắng cùi, làm lại răng sứ kín khít.

4. Sâu răng vùng cổ răng

Bọc răng sứ sẽ gia tăng khả năng đề kháng sâu răng của răng, tuy nhiên, bọc răng sứ không có nghĩa là răng không thể sâu thêm. Nếu không vệ sinh tốt, sâu răng có thể hình thành ở vùng cổ răng, biểu hiện của sâu cổ răng thường là những lỗ tổn thương mất chất màu đen hoặc màu nâu, ê buốt khi chải răng hoặc khi ăn đồ ngọt, chua. Xử trí bằng cách hàn lỗ sâu bằng composite thẩm mỹ, hoặc làm lại chụp sứ để bao phủ lỗ sâu.

Như vậy để phòng tránh đen viền nướu sau bọc răng sứ, bên cạnh việc lựa chọn vật liệu răng sứ toàn phần, cần lựa chọn nha khoa uy tín để nha sĩ đảm bảo kỹ thuật mài cùi, đảm bảo đường hoàn tất và răng sứ kín khít. Việc kiểm tra định kỳ, lấy cao răng 6 tháng/lần cũng rất quan trọng để làm sạch cao răng dưới lợi, loại bỏ nguy cơ gây viêm nướu, viêm nha chu, phòng tránh tụt nướu.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background