Có nên bọc sứ ngay sau khi tháo niềng răng?
Niềng răng là một quá trình điều trị nhằm sắp xếp lại các răng về vị trí đúng, cải thiện khớp cắn và thẩm mỹ khuôn mặt. Sau khi tháo mắc cài, nhiều người cân nhắc đến việc bọc răng sứ để đạt được vẻ ngoài hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, có nên thực hiện điều này ngay lập tức hay không là một câu hỏi mà các bác sĩ và bệnh nhân đều cần cân nhắc kỹ.
Tình trạng răng sau khi tháo mắc cài như thế nào?
Sau một thời gian niềng răng dài với việc di chuyển và sắp xếp lại vị trí của các răng thì thời điểm mới tháo mắc cài chưa phải là trạng thái ổn định hoàn toàn của răng và xương.
Theo Reitan, sự tái phát di chuyển răng xảy ra do sự tái sắp xếp của các sợi Collagen và sợi đàn hồi của nướu và sự tái sắp xếp này diễn ra chậm hơn sự tái sắp xếp của dây chằng nha chu. Thường sau khoảng 4 – 6 tháng sẽ hoàn tất sự tái sắp xếp cấu trúc các sợi collagen ở nướu, nhưng các sợi đàn hồi ở phía trên mào xương ổ răng lại tái sắp xếp rất chậm, do vậy dù sau khi tháo mắc cài khoảng 1 năm răng vẫn có thể di chuyển nếu không đeo duy trì.
Một số vấn đề thường gặp sau tháo niềng bao gồm:
- Xương hàm và mô mềm chưa ổn định: Khi răng di chuyển, xương ổ răng (alveolar bone) xung quanh răng phải tái cấu trúc để thích nghi với vị trí mới. Xương cũ bị tiêu đi, và xương mới được hình thành ở vị trí mới.
Sau khi tháo mắc cài, xương mới chưa đạt đủ độ cứng và độ chắc chắn để giữ răng cố định, khiến răng dễ dịch chuyển. Quá trình ổn định xương hàm này thường cần từ 6 tháng đến 1 năm sau khi kết thúc niềng.
- Răng dễ di chuyển lại vị trí cũ bởi răng và mô xung quanh, bao gồm nướu và dây chằng có tính “ghi nhớ” vị trí cũ do chúng đã duy trì trạng thái đó trong nhiều năm trước khi niềng. Sau khi tháo niềng, nếu không có sự hỗ trợ liên tục, răng sẽ “hồi phục” lại vị trí mà chúng “quen thuộc.”
- Men răng nhạy cảm hơn: Quá trình gắn và tháo mắc cài, thay đổi môi trường răng miệng có thể kích thích nhẹ đến men răng, khiến răng dễ bị ê buốt.
Do vậy sau tháo niềng nên thực hiện duy trì tích cực trong khoảng ít nhất 6 tháng đầu để tránh nguy cơ tái phát
Những lợi ích của việc bọc răng sứ mang lại sau tháo niềng
Bọc răng sứ sau khi tháo niềng có thể mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt đối với những trường hợp răng gặp vấn đề thẩm mỹ hoặc chức năng không thể khắc phục bằng các biện pháp khác. Dưới đây là những lợi ích nổi bật mà bọc răng sứ mang lại:
- Tăng thẩm mỹ: Bọc răng sứ giúp cải thiện màu sắc, hình dáng và độ đồng đều của răng, tạo nên nụ cười hoàn hảo hơn.
- Bảo vệ răng: Nếu răng có vấn đề về men răng, răng bị vỡ mẻ, răng sâu, mòn cổ răng, răng đã điều trị tủy nên được bọc sứ để bảo tồn răng lâu dài.
- Khắc phục tổn thương nhỏ: Một số răng bị tổn thương nhẹ sau niềng (như sứt mẻ hoặc mất khoáng) có thể được khắc phục bằng răng sứ.
Bọc răng sứ ngay tháo niềng răng có rủi ro gì?
Mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng việc bọc răng sứ ngay sau khi tháo mắc cài cũng tiềm ẩn rủi ro. Dưới đây là một vài nguy cơ tiềm ẩn chính của việc bọc răng sứ sớm:
1. Ảnh hưởng đến quá trình tái cấu trúc răng và xương ổ răng
Tái cấu trúc xương ổ răng không phải là quá trình diễn ra nhanh chóng. Thời gian trung bình để xương ổ răng hoàn toàn ổn định sau chỉnh nha thường là 6 tháng đến 1 năm.
Nếu bọc răng sứ khi mới tháo niềng, các răng có thể tiếp tục dịch chuyển, khiến chụp sứ không còn khớp chính xác làm khớp cắn không chuẩn dẫn đến lực nhai không đồng đều ảnh hưởng đến quá trình tái tạo xương
Việc bọc răng sứ yêu cầu mài răng và đặt chụp sứ lên răng thật. Sự thay đổi về kích thước và trọng lượng của răng bọc sứ có thể gây áp lực lên xương ổ răng, làm cản trở hoặc làm chậm quá trình tái cấu trúc tự nhiên.
Nếu xương ổ răng chưa ổn định hoàn toàn, việc bọc sứ sớm có thể dẫn đến tình trạng phải làm lại hoặc điều chỉnh mão sứ khi răng dịch chuyển, gây tốn kém thời gian và chi phí.
2. Cản trở hoạt động của dây chằng nha chu
Sau tháo mắc cài, dây chằng nha chu đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo và duy trì vị trí ổn định của răng. Quá trình này cần thời gian và không nên bị gián đoạn bởi các can thiệp xâm lấn như mài răng hay gắn chụp sứ.
Việc bọc răng sứ sớm có thể gây căng thẳng hoặc thay đổi lực tác động lên dây chằng nha chu, làm chậm hoặc gây rối loạn quá trình điều chỉnh sinh lý này.
3. Tăng nguy cơ ê buốt
Bọc răng sứ sau niềng răng có thể làm tăng nguy cơ ê buốt răng do tác động kết hợp của nhiều yếu tố liên quan đến cả quá trình chỉnh nha trước đó và bản chất của việc bọc răng sứ. Dưới đây là những lý do chính giải thích hiện tượng này:
- Men răng yếu hơn sau niềng răng: Trong quá trình đeo mắc cài, một vài vùng men răng xung quanh vị trí mắc cài có nguy cơ bị khử khoáng (decalcification), dẫn đến men răng yếu hơn. Sau khi tháo niềng, bề mặt răng dễ bị nhạy cảm hơn khi có tác động từ bên ngoài.
- Răng nhạy cảm: Sau chỉnh nha, răng và dây chằng nha chu chưa hoàn toàn thích nghi với vị trí mới. Các mô xung quanh răng cần thời gian phục hồi và ổn định, nên răng thường nhạy cảm hơn với lực nhai, nhiệt độ, hoặc tác động từ môi trường. Khi bọc sứ quá sớm, răng bị tăng thêm áp lực do chụp sứ, khiến tình trạng nhạy cảm trầm trọng hơn
- Khớp cắn không ổn định: Sau tháo niềng, khớp cắn có thể chưa hoàn toàn ổn định. Nếu bọc răng sứ quá sớm mà không điều chỉnh khớp cắn cẩn thận, mão sứ có thể gây áp lực không đồng đều lên răng. Áp lực này kích thích dây chằng nha chu và ngà răng, gây cảm giác ê buốt.
Những trường hợp có thể bọc răng sứ ngay sau tháo niềng
Bọc răng sứ ngay sau khi tháo mắc cài không phải là lựa chọn phổ biến, tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, việc bọc sứ có thể được chỉ định ngay sau tháo niềng để cải thiện thẩm mỹ và chức năng của răng. Dưới đây là những trường hợp nên cân nhắc bọc răng sứ sớm:
- Răng bị tổn thương nặng: Răng sâu lớn, răng đã điều trị tủy, bị sứt mẻ, nứt gãy hay bị mài mòn nghiêm trọng không thể khắc phục bằng phương pháp khác.
- Răng có hình dạng bất thường: Nếu răng không đều về kích thước, quá ngắn, quá nhỏ hoặc không cân đối, bọc sứ giúp cải thiện đáng kể hình dáng răng, đồng thời bù đắp chênh lệch kích thước răng hàm trên và hàm dưới giúp khớp cắn hoàn chỉnh hơn.
- Răng đã từng bọc sứ trước chỉnh nha mà không đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tính thẩm mỹ cần được thay lại chụp sứ khác sau khi tháo niềng
- Răng nhiễm màu nặng: Trường hợp răng có màu sắc không đều, nhiễm kháng sinh, hoặc nhiễm fluor mà tẩy trắng không hiệu quả.
- Yêu cầu thẩm mỹ đặc biệt: Khi bệnh nhân có nhu cầu thẩm mỹ cấp bách (ví dụ như chuẩn bị cưới hỏi hoặc sự kiện quan trọng).
Điều cần lưu ý là tất cả những trường hợp bọc răng sứ sớm đều cần đảm bảo đeo duy trì đầy đủ trong thời gian chờ và sau lắp răng sứ để tránh tái phát có thể xảy ra
Lời khuyên được đưa ra là để đảm bảo sức khỏe và thẩm mỹ lâu dài, nếu không có vấn đề nghiêm trọng nên đợi từ 6 tháng đến 1 năm sau khi tháo mắc cài để xương và răng ổn định trước khi quyết định bọc răng sứ. Việc mong muốn bọc sứ sớm nên được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, với sự tư vấn chặt chẽ từ bác sĩ nha khoa. Nếu mục tiêu là đạt được nụ cười đẹp và khỏe mạnh lâu dài, việc tuân thủ quy trình và kiên nhẫn sẽ mang lại hiệu quả tối ưu hơn.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh