Các loại phim X quang sử dụng trong chỉnh nha – Nha khoa Thùy Anh
Trong y khoa để đưa đến một kết luận chẩn đoán thì ngoài kinh nghiệm lâm sàng như nhìn, sờ, gõ, nghe thì việc hỗ trợ của cận lâm sàng như X – quang, siêu âm… là rất cần thiết để có thể xác định chính xác tình trạng bệnh. Cũng như vậy, chuyên ngành nha khoa hay đi sâu hơn là điều trị chỉnh nha, các loại phim Xquang cũng rất quan trọng.
Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Diễm – trực thuộc khoa nắn chỉnh răng nha khoa Thùy Anh sẽ thông tin tới bạn những cách mà bác sĩ chỉnh nha sẽ sử dụng phim X – quang trong một ca chỉnh nha.
Các loại phim X – quang sử dụng trong chỉnh nha
Tia X được phát hiện vào năm 1895 bởi nhà bác học người Đức Wilhelm Conrad Rontgen. Đây là một bước ngoặt đóng góp to lớn cho nền y học nhân loại. Tia X là một dạng bức xạ có tính năng xâm nhập và tương tác với vật liệu khác mà không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Cho thấy giải phẫu bộ phận con người thông qua hình ảnh thấu quang hoặc cản quang.
Với riêng bộ môn chỉnh nha bác sĩ cần chụp các loại phim như sau:
– Phim panorama (phim toàn cảnh): Phát triển vào năm 1990, không sử dụng miếng phim truyền thống mà sử dụng máy quét với một vòng quay 360 độ quanh hàm bệnh nhân, chùm tia phát ra đi qua một khe hẹp theo chiều dọc và tập trung lại thành một dải, hướng tia thay đổi liên tục cho phép ghi lại hình ảnh toàn bộ xương hàm, răng, cấu trúc cứng lân cận rõ nét.
Trên phim Panorama sẽ xem được tình trạng răng, chân răng, tiêu mào xương ổ hay không, hình thể lồi cầu cân xứng thế nào, sàn xoang vị trí cao hay thấp có sát chân răng, có các răng ngầm bất thường hay nang răng hay không, đánh giá khi đang điều trị xem chân răng đã phân kì hay chưa, có bị tiêu ngót hay không.
– Phim cephalometric phát triển vào những năm 1930. Chụp theo hướng bên, bóng phát tia đặt vị trí 0 độ, qua đầu bệnh nhân tới cassette phim, đầu bệnh nhân được cố định bằng 2 nút tai đặt ở lỗ ống tai ngoài và một thước đo giữ định vị trán để hạn chế sự quay xung quanh nút cố định tai. Điều chỉnh mặt phẳng Frankfort song song với sàn nhà, cho bệnh nhân cắn khít, môi thư giãn.
Phim Cephalo metric đánh giá tương quan xương hàm so với nền sọ, tương quan 2 hàm với nhau, tương quan răng so với xương hàm, chẩn đoán sai lệch theo chiều trước sau và trên dưới, độ rộng – hẹp đường thở… từ đó lên kế hoạch điều trị. Bạn sẽ được chụp phim khi bắt đầu bước vào chẩn đoán và trước khi tháo mắc cài.
– Phim Xquang mặt thẳng: Tư thế chụp sao cho trán và đỉnh mũi chạm vào mặt phẳng phim, đường nối 2 lỗ tai ngoài song song mặt phẳng phim, tia trung tâm chiếu vào ụ chẩm ngoài tới mặt phẳng phim.
Phim mặt thẳng dùng đánh giá sự cân xứng 2 bên mặt của xương – răng, sự tỉ lệ giữa chiều ngang xương hàm trên – xương hàm dưới, có cắn chéo răng hàm hay không. Phim này thường chụp trước chỉnh nha hỗ trợ chẩn đoán.
– Phim Xquang bàn tay, phim đốt sống cổ dùng đánh giá tuổi xương bệnh nhân khi điều trị chỉnh nha tăng trưởng.
Giúp quyết định các loại hình tăng trưởng cho trẻ bằng việc sử dụng khí cụ chỉnh nha điều chỉnh tương quan xương, tương quan răng sớm, tránh được sự trầm trọng thêm hoặc tránh một ca phẫu thuật do sai lệch quá mức mà qua độ tuổi tăng trưởng không thể điều chỉnh đơn thuần bằng chỉnh nha.
– Phim cận chóp: Đặt phim theo chiều dọc với vùng răng trước, ngang với vùng răng sau. Tấm hứng tia đặt trong miệng và hướng dẫn bệnh nhân giữ phim. Ngày nay thường sử dụng X – quang cận chóp sensor kỹ thuật số dễ chịu và nhanh chóng cho ra hình ảnh mà không phải rửa phim, hơn nữa cường độ tia rất thấp cực kỳ an toàn với cơ thể. Phim cận chóp thường sử dụng trong các thủ thuật như nhổ răng hay cấy vít hoặc kiểm tra sâu răng sớm.
– Phim CT Cone Beam: Là phim sử dụng tia X hình nón quay 360 độ xung quanh đầu bệnh nhân để có thể chụp tất cả các góc của răng, từ đó tạo ra hàng trăm hình ảnh 3D trong quá trình quét, khi quét xong các hình ảnh đó được tải lên một phần mềm số hóa dựng nên hình ảnh chân thực có độ phân giải cao giúp nha sĩ có thể quan sát, đo lường vị trí cấu trúc xương hàm, răng từ nhiều góc độ hay phóng to để quan sát rõ hơn.
Ví dụ để đánh giá tương quan vị trí các răng ngầm, khảo sát vị trí sau cắm minivis chính xác hay chưa, hoặc có thể đánh giá tương quan lồng khớp răng hàm mà không cần phải lấy dấu. Đánh giá xương vỏ mỏng, khi điều trị xem chân răng có nằm trong xương ổ hay không. Tình trạng lồi cầu…
Chụp phim Xquang trong chỉnh nha có gây hại gì không?
Sự nhiễm xạ do quá trình chụp X – quang nha khoa là rất nhỏ, không đủ để gây nên những vấn đề nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn bức xạ Nha Khoa Thùy Anh khuyến cáo sử dụng lượng tia tối thiểu, đúng với từng đối tượng, từng vùng chụp, khoảng cách an toàn với nguồn phát tia hay sử dụng áo chì trong quá trình chụp phim.
Phụ nữ mang thai nên tránh chụp X – quang trừ khi cần điều trị cấp cứu hoặc có chỉ định phối hợp với bác sỹ sản khoa.
Chụp X – quang trong chỉnh nha là rất quan trọng, không chỉ hỗ trợ chẩn đoán, X – quang còn giúp bác sĩ kiểm soát an toàn điều trị. Có thể nói nếu không có X- quang thì giống như người bị cận đi trong bóng đêm, dù có thể vẫn về tới nhà nhưng rủi ro rất cao, việc chụp X- quang giúp nha sĩ quan sát sâu phía trong xương hàm. Đây chính là vùng nền tảng đảm bảo hàm răng sau chỉnh nha vẫn khỏe mạnh, bền vững.
Trên đây là thông tin về các loại phim sử dụng trong chỉnh nha. Hy vọng những chia sẻ trên sẻ trên của bác sĩ Diễm sẽ hữu ích với bạn đọc cho bạn. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn.
>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/tai-sao-phai-chup-hinh-chup-phim-lay-dau-mau-ham-truoc-khi-nieng-rang/
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh