Biến chứng bọc răng sứ sai khớp cắn và cách khắc phục

Nếu bạn không may có hàm răng xỉn màu, dù đã tẩy trắng không hiệu quả, thì bọc răng sứ thẩm mỹ là lựa chọn tối ưu để có hàm răng trắng, đẹp. Răng sứ là kết quả của chặng đường hơn 200 năm tìm kiếm vật liệu phục hồi vừa có thể mô phỏng tối ưu hình thể màu sắc răng tự nhiên lại vừa tương thích sinh học với cơ thể con người, và đặc biệt tuổi thọ sử dụng cao. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi làm răng sứ thẩm mỹ tại nơi khác thì không thể ăn nhai như bình thường, đau mỏi hàm, đau khớp thái dương hàm, dẫn đến stress nghiêm trọng. Những triệu chứng này thường là dấu hiệu của bệnh lý sai khớp cắn. Chúng ta cùng tìm hiểu về biến chứng bọc răng sứ thẩm mỹ sai khớp cắn trong bài viết ngày hôm nay.

Khớp cắn như thế nào là chuẩn?

Trước khi tìm hiểu về sai khớp cắn, chúng ta cần biết như thế nào là một khớp cắn đúng. Khớp cắn là tương quan giữa răng của 2 hàm khi chúng tiếp xúc với nhau ở trạng thái nghỉ hoặc trạng thái hoạt động chức năng. Ở khớp cắn lý tưởng, có sự sắp xếp hoàn hảo về mặt giải phẫu giữa các răng theo các đường cong cắn khớp, sơ đồ điểm chạm khớp cắn, có chức năng hài hòa với các cấu trúc khác của hệ thống nhai.

Sai khớp cắn có thể là do sự sắp xếp không đúng cách của các răng trên cung hàm hoặc sự thiếu hài hòa kích thước và hình dạng của 2 hàm khiến răng không khớp với nhau một cách lý tưởng. Theo nghĩa đen, sai khớp cắn là một khớp cắn “xấu”, hoặc một sự sai lệch so với lý tưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất hiếm người có khớp cắn lý tưởng, đây dường như chỉ là một khái niệm lý thuyết. Và như vậy, hầu như ai cũng có tình trạng sai khớp cắn. Vậy có phải sai khớp cắn nào cũng cần điều trị? Và bởi khớp cắn lý tưởng không thể đạt được trên thực tế, thì nha sĩ dựa vào tiêu chuẩn nào khi tiến hành điều trị liên quan tới khớp cắn, trong bối cảnh bất cứ điều trị nha khoa nào dù là nhỏ nhất như hàn răng, làm chụp sứ, chỉnh nha đều không thể tách rời khớp cắn.

    • Khớp cắn chức năng, gần với khớp cắn lý tưởng, nó tôn trọng các đặc điểm chung của các chức năng khớp cắn sinh lí (vững ổn, trung tâm, hướng dẫn). Đây là mô hình để các điều trị khớp cắn (phục hồi hoặc chỉnh hình răng) cố gắng để đạt được.
    • Mặc dù có sự hiện diện của bất thường khớp cắn, các mối quan hệ khớp cắn vẫn cho phép chức năng răng miệng mà không có sự biến đổi cấu trúc với tiên lượng kém hoặc khiếm khuyết chức năng của thời điểm thăm khám, gọi là sai khớp cắn chức năng. Như vậy bạn có thể yên tâm, nếu bạn có sai khớp cắn, nhưng đó là sai khớp cắn chức năng, thì không cần điều trị.

Các yếu tố của khớp cắn chức năng

Theo Orthlieb, 3 yếu tố của khớp cắn chức năng bao gồm:

+ Vững ổn: Đánh giá ở vị trí lồng múi tối đa, tức vị trí các răng có sự tiếp xúc với nhau nhiều nhất, hai hàm ở vị trí đóng khít nhất, và hàm dưới đạt sự ổn định cơ học cao nhất. Một lồng múi tối đa vững ổn sẽ hỗ trợ cho sự nghỉ ngơi của cơ, hỗ trợ nuốt, cho phép sự cắn chặt răng. Yêu cầu của sự vững ổn: ít nhất 3 cặp răng nhiều múi tiếp xúc và phân bố đều trên cung hàm; vững ổn theo chiều trước-sau (sự liên tục của cung răng, tiếp xúc một răng dưới-hai răng trên); vững ổn theo chiều ngang (tiếp xúc múi-trũng)

+ Trung tâm: Cho phép cắn chặt răng mà không gây áp lực lên khớp thái dương hàm, vị trí lồi cầu ở lồng múi tối đa cho phép dịch chuyển nhẹ ra trước so với tương quan tâm, không có sự lệch tâm theo chiều ngang.

+ Hướng dẫn: Hướng dẫn ra trước (đối xứng ở răng trước, không có cản trở cắn ở phía sau, không có khóa hàm ở phía trước); hướng dẫn sang bên (hướng dẫn răng nanh hoặc hướng dẫn nhóm).

Hậu quả của bọc răng sứ sai khớp cắn

Một yếu tố quan trọng khi đề cập tới sai khớp cắn chức năng, đó là khả năng thích nghi của cơ thể. Các kích thích chủ yếu liên quan đến cường độ, tần số, thời gian, sự phân bố và hướng lực nhai. Ngoài ra chấn thương và một số bệnh có thể đóng vai trò tác nhân kích thích có hại cho hệ thống. Mặt khác, khả năng thích ứng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên trong (chẳng hạn như TMJ, cơ nhai, cấu trúc răng, tuổi tác, tình trạng toàn thân, trạng thái cảm xúc, căng thẳng, ngưỡng đau và di truyền), và các yếu tố bên ngoài (chẳng hạn như lối sống, thói quen, thuốc đã sử dụng, chất kích thích).

Nhiều bạn nghĩ rằng khi bọc sứ thẩm mỹ thường chỉ can thiệp đến vùng răng trước, không phải là vùng răng hàm để ăn nhai, nên sẽ ít gây ảnh hưởng. Nhưng răng trước có vai trò quan trọng trong các hướng dẫn đưa hàm ra trước và sang bên trong các hoạt động chức năng. Nếu ban đầu bạn có hướng dẫn răng nanh, sau khi làm răng sứ, không còn hướng dẫn răng nanh nữa, thì sẽ gây ảnh hưởng, xáo trộn tới khớp cắn thích nghi của bạn. 

Một số trường hợp khi bọc răng sứ toàn bộ 2 hàm, tức là thay đổi và tái lập hoàn toàn khớp cắn của bệnh nhân, nhưng lại không tuân thủ toàn diện những tiêu chuẩn về khớp cắn, có thể dẫn đến những biến chứng từ nhẹ đến nặng. 

Chúng ta coi răng sứ như một tác nhân kích thích, nếu quá nhiều sai biệt so với khớp cắn sinh lí, vượt quá khả năng thích nghi của cơ thể, trạng thái cân bằng sẽ bị phá vỡ, gây nên biến chứng có hại tới hệ thống nhai, với mức độ từ nhẹ tới nặng.

1. Không đáp ứng tiêu chuẩn vững ổn

Nếu răng sứ thẩm mỹ quá cao, sẽ gây kênh cộm, ăn nhai khó chịu. Một số trường hợp khi chỉnh khớp cắn, nha sĩ cố tình chỉnh nhóm răng sứ thẩm mỹ phía trước thấp hơn nhóm răng sau, tức là chỉ răng hàm răng thật của bệnh nhân chạm, còn răng sứ không chạm. Điều này ban đầu có thể không gây khó chịu nhiều cho bệnh nhân như khi răng sứ bị cao, nhưng theo thời gian dài, hoàn toàn không tốt. Các răng hở khớp sẽ dịch chuyển không mong muốn, đồng thời chỉ răng hàm làm việc dẫn đến quá tải lực, gây ê buốt, nứt gãy. Một số trường hợp răng thẩm mỹ đằng trước không hề chạm nhau, bệnh nhân phàn nàn không thể cắn đứt được sợi mì, ảnh hưởng không nhỏ tới ăn nhai.

Một lỗi hay gặp khi làm răng sứ đó là không thấy không tôn trọng giải phẫu răng. Các răng hàm cần sự vững ổn theo chiều ngang, tức là các răng hàm tiếp xúc theo kiểu múi, rãnh. Khi làm thẩm mỹ vùng răng hàm, có thể bỏ quên điều này, biểu hiện là các răng hàm có bình diện phẳng, tròn trùng trục, dẫn đến lồng múi tối đa không vững ổn, ngoài việc không thể nghiền nát thức ăn, cơ nâng hàm cần bù trừ, liên tục co để giữ hàm dưới ở trạng thái ổn định, có thể dẫn đến đau cơ.

2. Không đáp ứng tiêu chuẩn trung tâm

Mặt trong nhóm răng cửa hàm trên thường không đủ lõm, dẫn đến mất khoảng trượt trung tâm. Khi hàm dưới di chuyển từ tương quan tâm đến lồng múi tối đa, rìa cắn răng cửa dưới luôn thúc vào gót răng cửa trên, dẫn đến lung lay, thưa 2 răng cửa hàm trên, nứt vỡ răng sứ. Đồng thời nếu răng trên là răng sứ, răng dưới là răng thật, răng sứ cứng quá có thể gây mòn vẹt nhóm răng cửa dưới, vốn là nhóm răng nhỏ, yếu.

Khi có cản trở cắn từ tương quan tâm về lồng múi tối đa, sẽ tăng trương lực cơ để kéo xương hàm dưới vượt qua điểm cản trở, có thể gây nghiến răng, đau cơ và ảnh hưởng tới khớp thái dương hàm.

3. Không đáp ứng tiêu chuẩn hướng dẫn

Các răng có cơ chế bảo vệ tương hỗ cho nhau, khi răng cửa trượt ra trước hoặc sang bên, răng hàm sẽ nhả khớp. Nếu hướng dẫn ra trước, sang bên của nhóm răng trước không đảm bảo, răng hàm sẽ trượt lên nhau, dẫn đến mòn nhóm răng hàm, gây ê buốt, nứt gãy răng.

Cách khắc phục biến chứng bọc răng sứ sai khớp cắn 

Khi gặp biến chứng bọc răng sứ sai khớp cắn, việc đầu tiên cần làm là xử trí, điều trị những vấn đề cấp tính gây đau nhức, khó chịu. Ví dụ tiến hành mài chỉnh các điểm kênh cộm, điều trị tủy răng bị viêm tủy cấp,… Nếu có đau, mỏi khớp thái dương hàm, cần làm máng nhai để làm dịu các triệu chứng đau, mỏi khớp trước khi điều trị xâm lấn, toàn diện hơn.

Sau khi đã xử trí các tình trạng đau cấp tính, cần khám, chẩn đoán kỹ càng để tìm ra nguyên nhân và nguyên tắc khớp cắn nào bị vi phạm. Nếu nguyên nhân đơn giản, bắt đầu từ mài chỉnh, thăng bằng khớp cắn. Nếu có quá nhiều nguyên tắc bị vi phạm, cần làm lại răng sứ: lấy tương quan tâm, vào giá khớp mô phỏng khớp cắn, làm răng sứ tuân theo các nguyên tắc của khớp cắn chức năng, thăng bằng khớp cắn bằng T-scan, làm máng chống nghiến. Khi biến chứng càng nặng, tổn thương cấu trúc, chức năng càng nhiều thì điều trị càng phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn.

Như vậy, làm răng sứ thẩm mỹ không có nghĩa chỉ là làm răng cho trắng, đều, đẹp, mà cần phải tuân theo các tiêu chuẩn của khớp cắn chức năng để phòng tránh biến chứng sai khớp cắn. Đồng thời, bạn nên lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín, nơi có bác sĩ hiểu về khớp cắn, về khớp thái dương hàm, đồng thời có đầy đủ công cụ để phục hồi khớp cắn toàn diện.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục