Biến chứng gãy vít kết nối abutment và implant

Một trong những vấn đề khiến nha sĩ bối rối là nếu chẳng may bệnh nhân bị gãy vít kết nối abutment thì nên xử lý thế nào. Bài viết hôm nay Nha Khoa Thùy Anh sẽ đưa ra một số đề xuất và mong rằng sẽ giúp ích được cho quý đồng nghiệp bác sĩ.

Gãy vít kết nối xếp loại là một biến chứng liên quan đến cơ học implant, tỷ lệ có biến chứng lỏng và gãy vít cao hơn 45% trong khoảng 10 năm theo dõi. Có thể nói rằng nếu bạn chưa phải đối mặt với tình huống này thì đó là điều may mắn, tuy nhiên gần như trong suốt quá trình hành nghề cấy ghép implant, tỷ lệ ít nhất một lần bạn phải đối mặt vít gãy nằm gọn trong implant là rất cao.

Thất bại khi cấy implant

Như tất cả chúng ta đều biết, implant có tuổi thọ tuyệt vời, những thất bại nếu có sẽ phân ra làm 2 loại, thất bại sớm và thất bại muộn.

Thất bại implant sớm diễn ra trước thời điểm hoàn tất việc gắn abutment cũng như phục hình vĩnh viễn, thất bại muộn liên quan đến giai đoạn implant ăn nhai, chịu tải lực. Thất bại, biến chứng muộn lại có thể phân loại ra thất bại do yếu tố sinh học (biologic), và các biến chứng liên quan đến cơ học (mechanical).

    • Biến chứng sinh học chính là viêm nhiễm gây ra do sự tích tụ vi khuẩn xung quanh mô mềm, mô cứng implant.
    • Biến chứng cơ học thì bao gồm nhiều vấn đề nhỏ hơn như là hư hỏng liên quan đến các thành phần phục hình hoặc các vấn đề hư hại implant do quá tải, do vật liệu bao gồm gãy implant, abutment, chụp răng, gãy lỏng vít…

Y văn đã có báo cáo trong khoảng thời gian 10 năm theo dõi, tỷ lệ lỏng hoặc gãy vít kết nối lên đến 45%. Khi gặp tình huống gãy vít bạn cũng đừng lo lắng, chúng tôi sẽ chỉ cho bạn 4 cách sau đây:

Cách khắc phục gãy vít abutment trên implant

Cách thứ nhất:

Áp dụng cho trường hợp gãy vít 1/3 trên. Khi đó bạn dễ dàng sử dụng những vật dụng như kẹp, gắp, thám trâm, nạo ngà, bẩy để xoáy, gẩy vít ra ngoài. Bạn nhớ động tác đưa vít ra ngoài luôn là ngược kim đồng hồ. Bạn cũng có thể dùng những đầu lấy cao nhỏ, mỏng đặt lên đỉnh vít và thực hiện động tác rung, khi đó vít sẽ xoay ngược, lỏng ra và dễ dàng lấy bỏ. Trước khi thực hiện, bạn cũng nên bôi trơn vít bằng các chất lỏng có sẵn như eugenol hoặc dầu nhằm giảm ma sát. 

Bạn chú ý động tác phải cực kỳ nhẹ nhàng, vì vít hiện đã gãy nên có thể chuyển động xoay tự do trong chân implant. Dùng đầu siêu âm cũng thận trọng bởi đầu siêu âm có thể làm cho vít đi xuống dưới nhiều hơn là lên trên. Nếu vô tình đẩy vít xuống sâu thì chúng ta đang biến 1 tình huống đơn giản trở nên phức tạp.

Cách làm thứ 2:

Khi phần vít gãy ở sâu hơn, bạn có thể dùng tay khoan nhanh và mũi khoan rạch 1 đường dài trên đầu gãy, cố gắng điều chỉnh tay khoan chính xác để không cắt vào phần implant, sau đó chế một chiếc tuốc nơ vít đảo ngược ốc ra ngoài. 

Nói chung 2 cách làm ở trên tương đối đơn giản và ai cũng có thể tự suy diễn ra, tuy nhiên cách làm sau đây khá hiệu quả, và ít người biết đến. 

Cách làm thứ 3: 

Áp dụng cho những tình huống gãy vít sâu khi bạn không thể tiếp cận bằng mũi khoan chính xác để tạo đường rạch hướng dẫn lúc này bạn có thể sử dụng những tay khoan nhanh ( tuy nhiên nên chọn tay khoan đã bị hỏng bởi vì sau khi chế ra dụng cụ tháo vít tay khoan sẽ không sử dụng được nữa), sau đó dùng một mũi khoan trụ loại rất thô (mũi màu xanh hoặc màu đen), khi mũi thô này ma sát với phần thô của chiếc ốc gãy sẽ tạo ra lực đảo ngược vít ra ngoài. 

Như phần trên đã nói, nên dùng những tay khoan đã bị hỏng, bởi vì chúng ta sẽ phải chế một chút bằng cách tháo óc tay khoan nhét bông vào đó và gia cố thêm một lớp keo 502, bạn có thể làm bất cứ cách nào để mũi khoan đứng yên mà không xoay được, khi đó tay khoan và mũi khoan sẽ trở thành 1 chiếc cờ lê chuyên dụng, chính vì vậy bạn có thể dùng động tác tay để xoay tròn tay khoan ngược kim đồng hồ và tạo ma sát đưa ốc gãy ra ngoài.

Đây là cách làm khá hiệu quả, bí quyết nằm ở việc chọn tay khoan nhanh đã bỏ đi, mũi khoan thô, cố định mũi khoan không cho xoay (có thể nhét bông, keo dán vào phần óc tay khoan) và vặn đảo chiều.

Nhiều người cho rằng vít nằm chắc chắn trong implant thì khó mà xoáy thụ động lấy ra được (vì chúng ta không cần tạo khấc để có 2 đầu ăn khớp với nhau tạo độ bám khi xoay). Thực ra chúng ta thường siết ốc với lực 30 – 35N, và lực này chủ yếu nằm ở giao diện giữa vít và bệ implant, còn các con ốc phần lớn thụ động với lực siết 0 N khi đã bị gãy. Chỉ cần tồn tại 2 đầu nhám vít gãy và mũi khoan cọ sát với nhau theo hướng ngược kim đồng hồ là đủ cho ốc tự trôi ra ngoài.

Cách làm thứ 4: 

Áp dụng khi cả 3 cách làm trên đều không hiệu quả

Là sử dụng bộ vặn vít chuyên dụng của hãng. Trên thị trường có khá nhiều hãng như Nobel Biocare, Neobiotech, Osstem…Hầu như việc sử dụng các bộ kít của hãng lấy vít gãy thì sẽ khá thuận lợi, đặc biệt những trường hợp khó khi gãy vít nằm về phần chóp implant. Các bước sử dụng bao gồm:

Quy trình các bước lấy vít gãy trong trụ implant ra ngoài (hình ảnh minh họa)

Đầu tiên đặt ống kim loại hướng dẫn đường đi của mũi khoan vào bệ implant, có nhiều kích cỡ và bạn cần chọn loại vừa thích hợp nhất. Dùng mũi khoan pivot Drill với tốc độ 1000 – 1250 RPM khoan đảo ngược (reverse) nhớ bơm nước dồi dào và chỉ khoan tạo độ sâu 1-2mm lên vít. Điểm khoan đánh dấu này sẽ tạo đường vào cho vít tiếp theo. 

Sau khi khoan thì tưới nước và xì để bụi kim loại sạch sẽ, có thể tra thêm dầu vào để giảm ma sát. 

Tiếp tục dùng mũi khoan trong bộ kit và khoan đảo ngược với tốc độ chậm 70 – 80 RPM, khi đó vít gãy sẽ bị loại bỏ.

Hy vọng bài viết hôm nay của chúng tôi đã giúp ích được phần nào đó để quý nha sĩ tự tin lấy vít gãy ra ngoài khi có sự cố với phục hình implant. Vì implant nếu còn tốt thì động tác lấy ốc gãy sẽ cứu được cả implant mà không phải vùi loại bỏ. Điều đó thì cực kỳ có lợi cho bệnh nhân của chúng ta. Nếu quý nha sĩ có bất cứ thắc mắc nào muốn trao đổi sâu hơn có thể nhắn tin về cho phòng khám chúng tôi nhất định sẽ trả lời các bạn thật tỷ mỷ.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background