Tiêu ngót chóp răng khi niềng và những điều cần biết
Trước bất kì một điều trị y khoa nào, cả bác sĩ hay bệnh nhân không thể nói trước 100% về kết quả. Tuy nhiên chúng ta có thể ước tính xác suất trong những tình huống không mong muốn và sàng lọc nguy cơ để giảm thiểu mức độ biến chứng xuống thấp nhất. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ một chủ đề ít được truyền thông quan tâm: Tiêu ngót chân răng trong niềng răng. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Tiêu ngót chân răng được biết đến như một tình trạng tổn thương và tự đào thải của cơ thể khiến cho chiều dài hoặc chiều ngang chân răng bị ngắn đi để phản ứng lại với một tác nhân nào đó. Tiêu chóp chân răng lâm sàng được xác định khi chóp chân răng ngắn đi từ 2mm trở nên. Những tác nhân có thể là nội tại trong cơ thể bệnh nhân hoặc ngoại lai bên ngoài.

Tình trạng tiêu chóp chân răng do niềng răng
Nói về tiêu chân răng do niềng răng, để tường tận hơn chúng ta sẽ đi qua 3 vấn đề chính sau:
- Chân răng tiêu ngót như thế nào?
- Nguyên nhân quá trình tiêu ngót
- Phương án xử lý

Thứ 1. Tại sao chân răng bị tiêu ngót khi niềng?
Cơ chế sinh học giúp tạo ra các dịch chuyển răng trong điều trị chỉnh nha theo hướng mong muốn. Tuy nhiên cũng theo cơ chế này, nếu lực chỉnh nha vượt quá áp lực mao mạch máu quanh răng gây ra hiện tượng tắc mạch máu và hoại tử các vùng được nó cấp máu. Khi đó răng không được cấp đủ máu dẫn đến các phản ứng viêm, và thoái hoá các lớp cấu trúc bên ngoài của chân răng. Vùng hoại tử này được gọi là vùng hyalin hóa tương tự như hiện tượng tiêu xương hàm do lực di chuyển răng quá lớn khiến phản ứng tiêu – bồi xương không diễn ra bình thường. Nói cho dễ hiểu thì không nên sử dụng lực mạnh mà nên dùng lực nhẹ liên tục.
Ban đầu, khi hiện tượng hyalin hóa vùng hoại tử xảy ra, nó sẽ kích hoạt phản ứng huỷ cốt bào của các tế bào huỷ xương. Chính điều này làm bất hoạt phản ứng tạo xương sửa chữa và bồi đắp bề mặt của tế bào tạo xương. Lớp xi măng quanh răng bị mất đi đầu tiên. Diễn biến tiếp theo sẽ diễn ra theo các mốc sau:
- Giai đoạn đầu: Tiêu bề mặt, chỉ tiêu lớp xi-măng bên ngoài. Giai đoạn này cơ thể có thể tự sửa chữa và tái tạo lại bề mặt hoàn toàn nếu loại bỏ các tác nhân gây viêm.
- Giai đoạn 2: Tiêu sâu không chỉ xi măng mà lớp ngà cũng bị tiêu, khiến cho mất chiều dài chân răng, ngà răng không thể tái tạo.
- Giai đoạn 3: Tiêu xung quanh 3 chiều không gian chân răng, tiêu ngót chân răng rõ phát hiện được trên lâm sàng.
Trên AJODO, tạp chí nha khoa Hoa Kỳ 2017 đã phân loại tiêu chân răng theo 4 giai đoạn như chúng tôi minh họa:

2. Nguyên nhân nào dẫn đến tiêu chóp răng?
2.1 Do gen di truyền, cơ địa
Đầu tiên, tiêu chóp răng liên quan trực tiếp đến sự nhạy cảm khác nhau, đáp ứng khác nhau của từng cá thể. Cùng một ngưỡng lực, cùng một cơ học di chuyển răng nhưng có người thì bị tiêu chóp và có người không bị. Hay nói cách khác nó có tính cơ địa. Đây giống như biến số bí ẩn mà mỗi ca điều trị đều phải dự phòng và chấp nhận trước khi bước vào quá trình điều trị. (theo Currell’s systematic review 2019)
2.2. Do các yếu tố cơ học di chuyển răng
Như đã nói ở trên, các yếu tố gen và cơ địa có liên quan rõ ràng đến mức độ tiêu chóp răng trong quá trình niềng. Tuy nhiên, các nghiên cứu về kiểu cơ học di chuyển răng cũng như các đặc điểm của lực và thời gian tác dụng lực lên răng đã được hồi cứu và sàng lọc để đưa ra tỉ lệ xác suất thống kê các nguy cơ lâm sàng, có ý nghĩa rất quan trọng trong định hướng điều trị cho các bác sĩ thực hành lâm sàng.
Ngoài ra đưa ra cái nhìn tổng quan cho bệnh nhân về những vấn đề có thể gặp trước mỗi trình tự di chuyển răng mang tính cá nhân trước khi bước vào điều trị. Các yếu tố cơ học di chuyển răng dẫn đến tiêu chóp răng bao gồm:
2.2.1. Lực mạnh
Theo một nghiên cứu 2011 của Wuu, có sự khác biệt về tình trạng tiêu chân răng sau niềng khi sử dụng lực lún răng ở 25gr và 225gr. Với thống kê về lực mạnh gây phản ứng viêm nhiều hơn nên tiêu chóp chân răng nhiều hơn.
2.2.2 Thời gian áp lực lên răng
Sử dụng lực ngắt quãng với cơ học của chun chuỗi hoặc loop cho thống kê tỉ lệ tiêu chóp chân răng thấp hơn với sử dụng lực điều trị liên tục khi dùng lò xo kéo. Theo Sawicka 2014, Aras 2012.
2.2.3. Lựa chọn loại mắc cài điều trị
Loại mắc cài điều trị đã được đưa ra bàn luận và cho là có liên quan đến tỉ lệ tiêu chóp răng. Tuy nhiên theo Leite 2012, tỉ lệ tiêu chóp của mắc cài tự buộc và mắc cài thường có sự khác biệt 0,1mm. Theo nghiên cứu của Grey 2017, có sự khác biệt 3,7% và được cho là không có ý nghĩa thống kê. Tỉ lệ tiêu chóp không liên quan nhiều đến khí cụ điều trị.
2.2.4. Điều trị có hỗ trợ của Minivis
Một nghiên cứu của Barros 2017 về tỉ lệ tiêu chân răng vùng cửa với 2 mẫu có dùng hỗ trợ minivis và không sử dụng minivis. Tỉ lệ có thấy sự khác biệt có ý nghĩa tương ứng là 47% và 18%. Bản chất có thống kê này cho thấy, sử dụng minivis di chuyển răng với một biên độ lớn, khoảng di chuyển dài làm tăng nguy cơ tiêu ngót chân răng. Minivis chỉ giúp cho răng chạy đúng theo trình tự mong muốn ban đầu trong kế hoạch điều trị của bác sĩ.
Bác sĩ cần tiên lượng về nguy cơ tiêu ngót chân răng với các điều trị phức tạp mà khoảng kéo răng dài với các sai lệch lớn ở ca khó và thống nhất kế hoạch rõ ràng với bệnh nhân trước khi áp dụng cơ học vào điều trị.
2.2.5. Các dạng di chuyển răng

Một thống kê về tỷ lệ tiêu chân răng khi thực hiện các chuyển động răng của Curel 2019 chỉ ra rằng với các dạng di chuyển, lún răng là kiểu gây tiêu chân răng nhiều hơn 11 lần bình thường, tiếp theo là trồi răng với con sô 4,5 lần tăng lên.
Như vậy có thể tiên lượng các ca cần di chuyển lún, trồi nhiều sẽ có nguy cơ cao gây tiêu chóp. Điển hình với tình trạng cắn sâu, cười hở lợi hoặc cắn hở.
Thời gian điều trị: Từ 1,5 năm có khác biệt so với trên 2,5 đến 3 năm. Thời gian dài có nguy cơ tiêu chóp răng cao hơn.
2.2.6. Sức khỏe nội tại của cá thể
Bệnh lý nền liên quan: Các thống kê cho thấy các cá thể bị hen suyễn hoặc có các bệnh lý viêm khớp, thoái hoá khớp có liên quan đến tiêu chóp răng trong quá trình niềng răng.
Bệnh lý răng miệng kèm theo: Những bệnh nhân viêm nha chu mãn tính, viêm lợi mãn tính có tác nhân gây viêm liên tục hiện hữu quanh vùng di chuyển của răng gây ra hiện tượng tiêu ngót chân răng trầm trọng hơn nhiều. Có thể quan sát rõ hiện tượng tiêu ngót xảy ra nặng nề với 1 số răng viêm nha chu trên cung hàm. Những răng còn lại di chuyển bình thường và không có dấu hiệu tiêu ngót.
Một ca điều trị được giáo sư Chris Chang báo cáo tại hội nghị AAO 2019 về chủ đề điều trị cười hở lợi kèm hô có tiêu chóp răng như sau:


Hình ảnh chồng phim cho thấy với cơ học di chuyển răng dạng lún răng và torque chân răng của vùng răng cửa hàm trên lên đến 8mm là một quãng rất lớn. Đặc biệt vùng chóp chân răng là vùng di chuyển nhiều hơn so với phần rìa cắn ta có thể nhìn thấy trên miệng. Lý do là tình trạng mất torque ban đầu hay còn gọi là quặp nhiều. Ngoài ra có hỗ trợ của minivis lún răng cửa.

Trên hình ảnh X – quang toàn cảnh cho thấy 4 răng cửa trên bị tiêu 4mm chóp răng. Ngoài ra ông cũng hồi cứu nghiên cứu của Killyany DM năm 1995 trong chủ đề tương tự: Tiêu chóp chân răng trên 5mm chỉ xảy ra trong 5% bệnh nhân điều trị. Chính vì vậy Chris Chang cho rằng tiêu chóp răng 4mm là chấp nhận được.
Ông cũng đưa ra quan điểm: Tiêu chân răng được cho là bình thường với một ca như trên và điều này cần phải thông báo trước với bệnh nhân. Ngoài ra để giảm khả năng tiêu chóp điều trị cần phải sử dụng lực nhẹ và từ từ. Ông cũng cho rằng 3 yếu tố ảnh hưởng đến tiêu chóp gồm tổng thời gian điều trị, ngưỡng lực tác động và sự nhạy cảm của từng cá thể.
Bị tiêu chóp chân răng thì nên theo dõi hay ngừng điều trị hoàn toàn?
– Đầu tiên bác sĩ cần phải thông báo cho bệnh nhân biết về tình trạng hiện tại và không được dấu diếm.
– Bác sĩ đánh giá lại mục tiêu điều trị, trao đổi với bệnh nhân xem có tiếp tục kéo răng nhiều như trước hay giảm mục tiêu điều trị xuống dựa vào tình trạng hiện tại. Cân nhắc giữa mục tiêu điều trị, giữa lợi ích và nguy cơ của điều trị nếu tiếp tục.
– Đánh giá khớp cắn hiện tại
– Khảo sát lại quan điểm thẩm mỹ của bệnh nhân xem bệnh nhân có bắt buộc phải đạt mục tiêu cao như ban đầu không, hay lựa chọn cân bằng điều trị với thẩm mỹ của thời điểm khảo sát.
– Đánh giá, tính toán lại khoảng di chuyển cần thiết cần phải làm tiếp để hoàn thành điều trị.
1. Trường hợp tiếp tục điều trị
– Đầu tiên tạm ngừng điều trị ngay lập tức trong vòng 3 tháng. Điều này giúp ngay lập tức làm ngắt đi tiến triển của tiêu chóp răng. Đồng thời tạo điều kiện cho các sửa chữa tái cấu trúc ban đầu được diễn ra. Tiếp tục đánh giá chụp X – quang sau 6 tháng nếu tiến triển tiêu chóp dừng lại thì sẽ tiếp tục điều trị.
Với trường hợp tiêu ngót 1 hoặc vài răng đơn lẻ thì có thể bỏ qua răng đó và di chuyển các răng khác. Trong trường hợp nhiều răng tiêu ngót, lời khuyên là nên dừng điều trị để. ngăn không bị hoá huỷ thêm. Chụp X – quang 6 – 12 tháng để kiểm tra tiêu chóp răng.
2. Trường hợp ngừng điều trị
Sau khi ngừng điều trị bệnh nhân cần được duy trì và tránh các lực ăn nhai tác dụng mạnh lên răng. Theo dõi định kỳ kéo dài và tránh các tác động làm tiêu ngót xương quanh răng.
Trên đây là thông tin về tình trạng tiêu chóp chân răng khi niềng răng bạn cần nắm rõ. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì, hãy liên hệ với bác sĩ tại nha khoa Thùy Anh theo địa chỉ dưới đây để được tư vấn cụ thể hơn.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh