Niềng răng: Các tình huống đột ngột cần thông báo cho nha sĩ ngay

Niềng răng là một hành trình dài, đòi hỏi sự đồng hành khăng khít liên tục giữa bác sĩ và bệnh nhân. Do vậy đôi khi sẽ nảy sinh những tình huống cấp bách không báo trước. Lúc này bạn sẽ cần thông tin hay chỉ dẫn chính xác và kịp thời từ phía bác sĩ. Chỉ cần nhấc điện thoại và gọi ngay tới bác sĩ của bạn, mọi chuyện sẽ được xử lý ổn thoả và nhanh chóng. 

Để thêm những thông tin đến bạn đọc phòng cho tình huống bất ngờ, khó đoán, bài hôm nay nha khoa Thuỳ Anh xin chia sẻ một số hoạt cảnh mà bạn có thể gặp phải trong quá trình niềng răng và hướng xử lý. Hy vọng sẽ khiến bạn bớt lo lắng và phản ứng chủ động khi rơi vào trường hợp không mong muốn này.

Những tình huống đột ngột xảy ra trong niềng răng 

Bước vào giai đoạn niềng răng “new member” sẽ có khá nhiều những lo lắng hay thắc mắc với bất kỳ sự thay đổi nào trên hàm răng hay cảm giác vùng miệng – hàm mặt của mình. Chính vì vậy danh sách cuộc trò chuyện với bác sĩ sẽ dày hơn hẳn những giai đoạn tiếp theo. Điều này rất dễ hiểu. Bạn sẽ được dặn dò kỹ càng những lưu ý khi chăm sóc răng miệng tại nhà.

Video lời dặn sau gắn mắc cài là hành trang vô cùng quý giá và thiết yếu khi bắt đầu niềng răng. Bạn có thể tham khảo tại đây:

Trải qua giai đoạn làm quen, những tình huống cần liên lạc ngay với bác sĩ sẽ dần ít hơn. Sau đây là những tình huống có thể xảy ra:

I. Bong tuột khí cụ gây vướng tổn thương mô mềm

    1. Bong mắc cài

Mắc cài bong có thể do nhiều nguyên nhân, khi bị bong bạn cần thông báo cho bác sĩ biết để có hướng xử lý hợp lý nhất. Đôi khi bong mắc cài không quá cấp bách và không gây ra hậu quả lớn đến tiến trình điều trị. Tuy nhiên một số giai đoạn bong mắc cài lại làm cho điều trị leo thang rất nhiều, quy trình di chuyển răng bị đảo lộn. 

Ví dụ như giai đoạn đóng khoảng nhổ răng, dây cung sử dụng có size lớn và cứng chắc giúp răng chạy thẳng hàng và an toàn nhưng nếu bong mắc cài xảy ra, răng sẽ có những di chuyển sai hướng và không còn vừa khít với dây cung ban đầu. Khi gắn lại bác sĩ sẽ buộc phải đi lại lộ trình dây cung nhỏ để tránh lực quá lớn trên răng gây nguy hiểm. Điều này khiến thời gian niềng răng bị kéo dài. Chính vì vậy nếu không may bị bong mắc cài, hãy liên lạc với bác sĩ để có chỉ dẫn đúng nhất nhé.

Mắc cài răng cửa dưới bị bong thời gian dài khiến răng xoay nhiều.
    1. Dây cung chọc má, tuột, gãy dây cung

Đây là một trong những tình huống cấp cứu cần liên hệ với bác sĩ khi bạn không may gặp phải bởi nó sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và ăn uống. Nếu xử lý sớm sẽ cải thiện rất nhiều về cảm xúc trong quá trình niềng răng. Tuy nhiên đôi khi bạn không thể đến nha khoa để sửa kịp thời thì bác sĩ sẽ cho bạn những cách giải quyết nhanh tại nhà tạm thời, cứu cánh phần nào hậu quả nó gây ra. 

Ví dụ như hướng dẫn lót bông hay đắp sáp nha khoa vào đuôi dây. Hướng dẫn tháo dây cung nếu bị gãy nhọn đâm chọc môi má tại nhà…

Đương nhiên bạn vẫn cần phải nhanh chóng thu xếp thời gian để đến nha khoa chỉnh lại cho chuẩn ngay sau đó.

Đuôi dây cung nhọn tuột khỉ ống răng số 7 chọc vào lợi gây sưng đau.
    1. Tuột chun, mất chun

Tuột, mất chun chuỗi hay lò xo kéo răng ít khi xảy ra. Nếu xảy ra cũng không gây hậu quả nghiêm trọng. Bạn vẫn nên liên hệ bác sĩ của mình nếu gặp phải. Khi đó nếu đơn giản có thể được bác sĩ hướng dẫn móc lại chun hay lò xo bị tuột tại nhà thông qua online. Trong trường hợp mất chun/lò xo kéo răng mà chưa thể đến nha khoa ngay bạn có thể trì hoãn một khoảng thời gian mà không gây nguy hiểm.

    1. Tuột, mất hàm nong, hàm nâng khớp

Trường hợp tuột bong một phần hàm nong, hàm nâng khớp gây nhiều khó chịu cho sinh hoạt, thậm chí một số thiết kế hàm nong nếu bong bật sẽ cọ sát, tì đè niêm mạc miệng khiến bệnh nhân bị đau, sưng nhiệt miệng nặng. Bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn và đặt lịch quay lại nha khoa gắn lại hàm. Với tình huống tuột hàm để lâu không gắn lại sẽ gây ra những sai lệch hàm răng không mong muốn. Thậm chí hàm nong sẽ kênh và không khít sát do răng chạy xa khỏi khuôn hàm nong. Khi đó tệ nhất có thể phải tháo hoàn toàn hàm và làm hàm mới tốn kém chi phí và làm chậm quá trình điều trị của bệnh nhân. 

Hàm nong hàm trên thiết kế các thanh ngang và thanh dọc có tác dụng nong rộng cung hàm trên thông qua hệ thống ốc xoay theo hướng mũi tên. Các thanh dọc nếu bong sẽ cọ chọc niêm mạc khẩu cái gây tổn thương cho bệnh nhân.
    1. Mất khay niềng với điều trị Invisalign

Điều trị invisalign với rất nhiều ưu điểm thấy rõ như sử dụng dễ dàng, tiện lợi trong sinh hoạt hằng ngày, thẩm mỹ tối đa và giảm thiểu những cảm giác đau, nhức do quá trình di chuyển răng tạo ra. Tuy nhiên cũng chính vì dễ dàng tháo lắp đôi khi bệnh nhân sẽ để quên hoặc làm mất khay khiến cho lộ trình niềng răng buộc phải dừng lại. 

Các loạt khay điều trị tiếp theo sẽ trở nên vô ích nếu 1 khay trong quy trình bị gián đoạn. Khi đó bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ để có hướng điều trị tiếp theo. Thông thường bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đeo hàm duy trì vị trí răng ở thời điểm hiện tại và liên hệ với công ty sản xuất máng in lại khay mất cho bạn. 

Tuy nhiên nếu bạn lỡ để lâu mà không thông báo cho bác sĩ khiến cho các răng tái phát và có những di chuyển không mong muốn thì có thể bạn sẽ phải thay đổi toàn bộ tiến trình chạy răng cũ. Số khay niềng chưa đeo của loạt khay cũ sẽ phải bỏ đi hết và thay hoàn toàn bằng loạt khay mới. Khi đó sẽ mất thêm thời gian thậm chí một số nha khoa sẽ yêu cầu phát sinh chi phí điều trị.

Bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn sử dụng máng trong một chuyên đề khác của chúng tôi để tường tận hơn về các lưu ý sử dụng máng: https://nhakhoathuyanh.com/huong-dan-cach-su-dung-va-cham-soc-khay-nieng-invisalign-dung-cach/

    1. Đau sưng Minivis niềng răng

Chỉ định Minivis rất phổ biến trong điều trị niềng răng. Minivis nằm trong môi trường miệng chứa nhiều vi khuẩn có thể bị viêm nếu như số lượng vi khuẩn quá lớn gây sưng, đau nhiều cho bệnh nhân.

    • Với mức độ từ nhẹ đến trung mình bác sĩ sẽ cố gắng điều trị bảo tồn vis với các biện pháp dập khuẩn gây viêm như tăng cường vệ sinh, làm sạch môi trường miệng bằng nước súc miệng diệt khuẩn, dung dịch sát khuẩn đầu vis và kháng sinh đường uống phối hợp. 
    • Với mức độ viêm nặng hoặc khi vis đã viêm nặng và lỏng ra thì cần phải loại bỏ minivis đó. Vì vậy đây cũng là tình huống cần phải liên hệ ngay với nha sĩ khi gặp phải. Tuy nhiên đừng quá lo lắng vì các biến chứng sưng đau minivis  thường sẽ dễ dàng được kiểm soát ổn định và trường hợp xấu nhất là phải tháo minivis thì cũng không để lại hậu quả nghiêm trọng.

II. Các tình huống đột ngột xuất hiện và không được thông báo trước

    1. Đau, ê buốt răng

Nếu trong quá trình di chuyển răng tích cực như thay dây cung ở những trường hợp khấp khểnh răng, hoặc xoay các răng, thực hiện các chuyển động làm thay đổi diện tích bề mặt men răng tiếp xúc với môi trường thì thường bạn sẽ có hiện tượng ê buốt nhẹ. Điều này không đáng lo và không phải hậu quả mà là hệ quả đi kèm của việc dàn đều răng. Các vùng men răng khấp khểnh, kẽ răng được che lấp ít tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài như đồ ăn nóng, lạnh sẽ có phản ứng ê buốt. Chỉ cần thêm thời gian để răng tự thích nghi thì triệu chứng ê buốt sẽ giảm dần và hết.

Tuy nhiên các dấu hiệu ê buốt răng, đau răng cũng có thể là lời cảnh báo cho các tình trạng như mòn cổ răng, sâu răng, tụt lợi do vệ sinh răng miệng chưa tốt hoặc kéo răng với lực quá mạnh và thô bạo. Khi đó chắc chắn bạn cần liên hệ với bác sĩ để có một lịch hẹn sớm nhất cho việc kiểm tra tình trạng răng hiện tại để xử lý sớm những bệnh lý có thể gặp phải.

Tiêu xương, tụt lợi gây ê buốt răng trong quá trình niềng răng
    1. Sưng nề lợi, niêm mạc miệng

Các bệnh lý viêm lợi, niêm mạc miệng có nhiều nguyên nhân gây lên bao gồm cả nguyên nhân do niềng răng và nguyên nhân cơ địa, các bệnh lý toàn thân. Để điều trị cần loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh và xử lý tại chỗ các khu vực viêm nhiễm. 

Phần lớn các tình trạng viêm lợi khi niềng răng liên quan mật thiết với mức độ vệ sinh răng miệng của bệnh nhân. Đặc biệt hay gặp ở lứa tuổi thiếu niên. Bác sĩ cần hướng dẫn quy trình làm sạch răng miệng tại nhà và giải thích về nguyên nhân và hậu quả vệ sinh răng miệng kém gây ra.

Sưng loét miệng có thể gặp phải do khí cụ nhọn đâm, chọc gây rách, nhiệt. Lý do này xử lý rất dễ dàng. Bạn chỉ cần liên hệ ngay với bác sĩ là sẽ ổn.

Các nguyên nhân như viêm hầu họng, viêm lưỡi lây lan rộng có thể do chủng vi khuẩn độc hại hoặc nhiễm nấm miệng gây nên. Môi trường niềng răng yếm khí lại dễ đọng thức ăn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm vi trùng này phát triển quá mức khiến cho việc viêm loét có thể bùng phát. Bác sĩ sẽ cần khám, có thể thực hiện một vài xét nghiệm nếu nghi ngờ chủng đặc hiệu để sử dụng thuốc đúng kháng sinh dập khuẩn. 

Tình trạng thiếu hụt vi chất như sắt, vitamin B và C cũng gây ra các tình trạng viêm lợi đỏ rực và quá sản lợi mọc tràn lên bề mặt mắc cài. Số ích trường hợp sẽ bị viêm lợi do tác dụng phụ sau khi dùng một số thuốc như Phenitoin, Ciclosporin… 

    1. Há miệng đau, khó há miệng, có tiếng kêu khớp khi há ngậm miệng

Các dấu hiệu này định hướng đến bệnh lý rối loạn khớp Thái Dương Hàm (TMD). Thông thường các di chuyển răng ít khi gây ra tình trạng này. Thông thường các dấu hiệu có thể xuất hiện trước niềng răng hoặc trùng hợp xuất hiện trong quá trình niềng răng trên nền cơ – răng – khớp rối loạn có sẵn ban đầu và có thể nặng hơn khi các di chuyển răng với một vài tình trạng khớp cắn liên quan như: Khớp cắn sâu gây nén ép lồi cầu, cản trở vận động hàm dưới. Hô do kém phát triển xương hàm dưới, hẹp hàm.

Các trường hợp này có hình ảnh X – quang thể hiện lồi cầu tiêu dẹt vị trí lồi cầu không sinh lý.

Nếu bạn được bác sĩ thông báo về tình trạng tiêu lồi cầu khi khảo sát X – quang ban đầu, cần lưu tâm và thông báo cho bác sĩ nếu gặp các dấu hiệu nặng lên của bệnh lý khớp và có những điều trị TMD kịp thời.

Một số thông tin quan trọng về TMD liên quan niềng răng sẽ được giải thích trong video này: 

    1. Khe thưa bất thường trên răng

Khe thưa xuất hiện chỉ là vấn đề nhỏ không đáng lo ngại cho tiến trình điều trị so với các di chuyển răng lớn như giải móm, giảm hô trong niềng răng. Tuy nhiên khe thưa thường xuất hiện tại vùng răng cửa lại tác động lớn đến tâm lý của bệnh nhân do chúng gây mất thẩm mỹ và khiến bệnh nhân thiếu tự tin. Bác sĩ cần nắm bắt kịp thời những bất ổn trong đời sống tâm lý của bệnh nhân và kịp thời xử lý đóng khe thưa, ổn định tâm lý cho bệnh nhân. 

Một vấn đề cần quan tâm đúng mức liên quan đến các khe thưa tự nhiên xuất hiện chính là nguyên nhân của nó: tật đẩy lưỡi.

Hình ảnh bệnh nhân có thói quen đẩy lưỡi gây cắn hở vùng răng trước

Đây là một thói quen xấu cần phải điều chỉnh và định vị lại lưỡi đúng chỗ. Khi đó tiến trình di chuyển răng mới có thể thuận lợi và kết thúc niềng răng mới ổn định.

Khi phát hiện bệnh nhân có tật đẩy lưỡi, bác sĩ cần giúp bệnh nhân định vị lại khu vực của lưỡi. T

III Các tình huống tệ nhất: Chấn thương răng khi niềng răng

Nguyên nhân gây ra chấn thương răng:

    1. Tai nạn giao thông, ngã va đập mạnh trực tiếp vào hàm răng.

Có thể nói đây là cơn ác mộng với mỗi người đang niềng răng và các bác sĩ răng hàm mặt đặc biệt là bác sĩ chỉnh nha.

Sở dĩ nếu không đeo niềng, nếu không may bị ngã va đập vào một vùng răng nào đó. Thông thường hậu quả chấn thương răng phải gánh chịu là sẽ tổn thương vị trí răng bị tác động. Đặc biệt răng không điều trị niềng răng sẽ đứng chắc trên xương hàm và chịu được một lực tác động lớn hơn. 

Ngược lại, trường hợp chấn thương răng trên bệnh nhân chỉnh nha hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Chỉnh nha hoạt động bằng cách di chuyển các nhóm răng vào vị trí mong muốn. Tức là các răng không đứng chắc trong xương. Hệ thống xương hàm được kích hoạt quá trình tiêu và bồi xương liên tục, hệ thống dây chằng quanh răng giãn rộng hơn để giúp răng chi chuyển. 

Chính vì vậy khi chịu tác động lực nhẹ răng sẽ di chuyển theo tiến trình niềng răng. Nếu phải chịu một lực đập mạnh thì cả nhóm răng xung quanh thậm chí cả hàm sẽ phải gánh chịu chung số phận vì chúng được dàn thẳng trên 1 dây cung. Mặt khác các răng lỏng lẻo rất dễ bị nén ép và bật ra khỏi xương. Những tình huống đau lòng nhất là bật răng ra ngoài.

Khi không may rơi vào hoàn cảnh này cần xử lý theo các hướng dẫn dưới đây: 

+ Xử trí ngay tại nơi bị chấn thương

– Răng rơi ra khỏi ổ răng, còn nằm trong miệng thì ngay lập tức ấn lại vào huyệt ổ răng và giữ chặt 5 phút sau đó đến nha sĩ gần nhất.

– Nếu răng bị rơi ra khỏi miệng, khi đó nhặt ngay răng rửa sạch bằng nước muối sinh lý (tối đa 10s), sau đó cắm ngay trở lại vào huyệt ổ răng giữ chặt đó và đến ngay nha sĩ gần nhất.

Nếu không tự cắm được lại vào ổ răng hãy bảo quản răng của bạn bằng sữa tươi, nước muối sinh lý, hoặc nước bọt (ngậm trong miệng ở ngách hành lang má), rồi đến ngay nha sĩ gần nhất. Đối với trẻ nhỏ thì không nên để trẻ ngậm răng trong miệng mà nhả răng ra để vào môi trường bảo quản thích hợp.

+ Tại nơi điều trị nha khoa 

Lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng của dây chằng quanh răng, đánh giá dựa vào môi trường bảo quản và thời gian răng ở bên ngoài miệng, thời gian càng ngắn thì khả năng hồi phục càng cao, ngoài ra, còn liên quan đến sự trưởng thành của chân răng (răng đã đóng chóp hay chưa).

Nha sĩ sẽ xử lý làm sạch răng, bơm rửa huyệt ổ răng bằng nước muối sinh lý và cấy ghép lại răng, giữ như vậy 5 phút. Sau đó sẽ tháo hết các dây cung ra khỏi vùng chấn thương, cố định răng đó vào răng bên cạnh bằng nẹp.

Nẹp cố định răng bị chấn thương với các răng khác bằng composite

Bạn có thể phải sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau và nước súc miệng. Nên tiêm phòng uốn ván nếu răng rơi vào nơi bẩn.

Theo dõi sau điều trị

– Điều trị tiếp theo bao gồm: Điều trị tủy răng do các mạch máu và thần kinh đi vào tủy đã bị đứt..

– Tháo nẹp cố định răng sau khi răng lành thương vững ổn.

Cần thông báo ngay cho bác sĩ chỉnh nha để dừng toàn bộ các di chuyển răng, đến khi cố định ổn định tình trạng răng sau khoảng 3 tháng sẽ kiểm tra và quyết định phương án điều trị niềng răng tiếp theo.

    1. Lực cắn quá mạnh vào các đồ vật cứng: cắn mở lắp chai bia, nhai đồ ăn quá cứng khi mắc cài trên dây cung cứng và lớn.

 Đây là tình huống chấn thương do bệnh nhân không tuân thủ điều trị, các răng cắn có thể bị mẻ, vỡ hoặc bị lún xuống xương khi tác động lực mạnh trên dây cung cứng không đàn hồi. Khi này dây cung sẽ bị biến dạng và cong lõm theo lực cắn. Khi đó các răng chịu tác động lực từ dây cung sẽ bị cong theo. Tuy nhiên tích lực trên dây cung cứng là rất lớn, chỉ với mức độ uốn rất nhỏ đã khiến các răng chịu lực nén quá mức. Thậm chí đã ghi nhận trường hợp chết tủy răng do dây cung SS lớn chịu lực cắn mạnh gây biến dạng đã nén lực quá tải lên răng.

Nhưng tin vui là là nếu cắn mạnh thì tỉ lệ các mắc cài bị bong sẽ hay gặp phải hơn là việc dây cung bị uốn cong mà mắc cài vẫn nằm trên dây và chịu lực nén từ dây gây chết tủy răng. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background