Hướng dẫn răng nanh là gì? Vì sao phải có hướng dẫn răng nanh?

Mỗi chiếc răng trên cùng hàm đều có một chức năng riêng phù hợp với hình thái, kích thước và vị trí, sự phối hợp của hệ thống nhai giúp quá trình tiêu hóa diễn ra trôi chảy. Vùng răng trước (răng cửa, răng nanh) có chức năng cắn, xé thức ăn thành những miếng nhỏ trong khi những răng sau thực hiện quá trình nhai nghiền trước khi chuyển xuống thực quản thông qua động tác nuốt. Kết quả là chức năng sống cơ bản của con người được đảm bảo. 

Tuy nhiên, con người không đơn thuần sử dụng miệng để ăn uống mà chúng ta còn chào hỏi nói chuyện khi gặp người khác; ngân nga lời hát quen thuộc khi cảm thấy yêu đời; nghiến chặt hai hàm khi tập trung căng thẳng… Theo một thống kê được đăng tải trên tập san nổi tiếng Researchgate: “Estimated number of words spoken per day for female and male – trung bình mỗi người nói 16.000 từ trong một ngày, diễn ra trong 17 tiếng”.

Chúng ta được phép làm việc không quá 8 tiếng một ngày, thời gian còn lại dành để nghỉ ngơi, thư giãn, sinh hoạt thường ngày, trong khi những chiếc răng hàm đang làm việc trong khoảng thời gian gấp 2, gấp 3 lần để phục vụ cho cuộc sống. Như vậy, con người dành 1/3 thời gian trong ngày để ăn và ngủ, phần lớn thời gian còn lại để giao tiếp và biểu lộ cảm xúc. 

Khi 2 hàm cắn lại, lực cắn  tác động lên răng hàm rất lớn, vì vậy cơ thể thích nghi bằng cách giảm tải lực tác động lên những răng này nhờ vào những chuyển động hàm dưới. Chính lúc này, răng nanh thực hiện một trong những chức năng không kém phần quan trọng – “Hướng dẫn sang bên”. Vì sao hàm dưới chuyển động sang bên cần hướng dẫn, vì sao răng nhanh được tạo hóa lựa chọn? 

Hướng dẫn răng nanh là gì? 

“Hướng dẫn răng nanh” là hướng dẫn chuyển động sang bên lý tưởng, được định nghĩa là hiện tượng các răng hàm nhả khớp hoàn toàn (không chạm nhau) khi đưa hàm sang bên. Có nghĩa là chỉ duy nhất răng nanh hàm dưới tiếp xúc với răng nanh hàm trên trong suốt quá trình này, các răng hàm không tiếp xúc với nhau giúp giảm thiểu tối đa lực ly tâm tác động vào nhóm răng này. 

Lúc này, gần như chỉ mỗi răng nanh làm việc, răng hàm và răng cửa được thư giãn và nghỉ ngơi. Lực ly tâm sinh ra khi múi trong răng hàm trên và múi ngoài răng hàm dưới cọ xát vào nhau, hình thành phương lực ngang làm tăng nguy cơ nứt gãy thân răng lực này xuất hiện khi không có hướng dẫn răng nanh. 

Mọi hoạt động bao gồm ăn, nói, giao tiếp hay thậm chí nghiến răng của một người diễn ra trong ngày phần lớn đều tác dụng lực lên vùng răng sau. Vì vậy, không nói quá khi cho rằng răng hàm lớn luôn trong tình trạng quá tải lực. May thay, cơ thể chúng ta thích nghi bằng cách cho phép răng sau không chịu lực khi đưa xương hàm dưới ra trước hoặc sang bên. 

Vì sao phải có hướng dẫn răng nanh?

Vì sao răng nanh được chọn để trở thành “hướng dẫn viên” trong hành trình di chuyển sang bên của xương hàm dưới? Để làm sáng tỏ câu hỏi trên, các bạn hãy cùng tôi tìm hiểu về cấu tạo đặc trưng mỗi nhóm răng trên cung hàm. 

+ Thứ nhất, răng hàm lớn có 2 – 3 chân, chiều dài mỗi chân đều ngắn hơn so với chân răng của nhóm răng trước, dễ dàng chống chịu ngoại lực tác động theo phương thẳng đứng theo trục thân răng. Những lực này truyền từ thân răng với chân răng nhanh chóng phân tán đều qua dây chằng nha chu. 

Ngược lại, trong chuyển động sang bên mà không có hướng dẫn răng nanh, răng hàm trên và răng hàm dưới va vào nhau, hình thành lực ly tâm khiến răng lung lay,  kèm theo tiêu xương, tụt lợi thậm chí rụng răng nếu không được can thiệp kịp thời. 

Ngoài ra, các răng hàm cọ xát liên tục tăng nguy cơ mòn răng, ê buốt nhạy cảm ngà và nứt vỡ răng. Tỉ lệ thân/chân răng nanh thích hợp để thích nghi với phương lực nằm ngang khi di chuyển hàm dưới sang 2 bên. Mặt khác, thiết diện thân răng hàm là hình tròn, trong khi ở răng nanh là hình bầu dục giúp tăng diện tích tiếp xúc với bề mặt xương ổ răng. 

Ngoài ra, cảm nhận trên thân răng nanh rõ ràng và chân thực hơn nhóm răng sau, vì vậy chúng ta dễ dàng nhận ra và điều chỉnh thói quen ăn nhai hoặc thăm khám nha khoa kịp thời nếu xuất hiện hiện tượng quá tải lực ở đây.

Điều gì sẽ xảy ra khi không có hướng dẫn răng nanh?

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu hàm dưới không được hướng dẫn sang bên bằng răng nanh, răng hàm dễ bị nhạy cảm, mòn, lung lay răng, tiêu xương tụt lợi hay thậm chí là rụng răng. Khi cấu trúc giải phẫu răng hàm mòn đi, quá trình đưa hàm dưới sang bên không được hướng dẫn một cách bình thường, hậu quả gây loạn năng khớp thái dương hàm. 

Trên thực tế, khi hệ thống cơ nhai co giãn nhằm đưa hàm dưới sang bên, luôn tồn tại ít nhất 1 đơn vị hướng dẫn quy định quỹ đạo di chuyển của hàm dưới. Nếu không có hướng dẫn răng nanh, răng hàm vào vai đóng thế bất đắc dĩ. Lúc này, răng hàm bị quá tải vì chúng phải chịu gần như toàn bộ lực tác động ở mọi vị trí chức năng của xương hàm dưới, tăng nguy cơ sang chấn và nứt gãy thân răng. 

Ngoài ra, khi hướng dẫn răng hàm lặp lại nhiều lần cũng là lúc hình thành trí nhớ cơ, làm  phát sinh quá trình nghiến răng trong vô thức. Hậu quả là mòn răng, ê buốt răng, nhạy cảm ngà, tiêu xương và tụt lợi. 

Một nghiên cứu tổng quan với tựa đề “Is bruxism associated with temporomandibular joint disorders? (Tạm dịch : Liệu nghiến răng có liên quan tới loạn năng khớp thái dương hàm không”) đăng tải trên chuyên trang khoa học Pubmed.com vào năm 2023 đã khẳng định: “Nghiến răng làm tăng nguy cơ mắc rối loạn khớp thái dương hàm. Khi các cơ nhai co, xương hàm dưới được đưa sang bên dưới sự hướng của quá trình cọ xát giữa các múi của răng hàm trên và răng hàm dưới, đồng thời  lồi củ xương hàm dưới chuyển động trong ổ khớp thái dương (phức hợp khớp TDH). Nghiến răng lâu ngày gây mòn răng, quỹ đạo chuyển động xương hàm dưới thay đổi bất thường gây ảnh hưởng trực tiếp lên quỹ đạo khớp thái dương hàm”.

Hướng dẫn sang bên bằng răng nanh được ứng dụng rõ ràng trong việc phục hình răng sứ. Chụp sứ vùng răng hàm phải bảo đảm tiêu chí nhả khớp hoàn toàn khi đưa hàm dưới sang bên. Một số khách hàng tới nha khoa Thuỳ Anh trong tình trạng đau mỏi hàm, đồng thời chụp sứ răng hàm lớn vỡ. Nguyên nhân là do bác sĩ phục hồi răng sứ chỉ quan tâm hình thể, màu sắc răng ở trạng thái tĩnh, có nghĩa là khi cắn chặt 2 hàm mà quên mất phần lớn thời gian trong ngày hàm dưới ở trạng thái động. Kết quả là răng hàm vừa đảm nhận trọng trách ăn nhai chính, vừa hướng dẫn sang bên và vỡ chụp sứ là một điều tất yếu. 

Việc thay đổi đột ngột cấu trúc thích nghi của hệ thống nhai từ hướng dẫn răng nanh qua hướng dẫn răng hàm gây ức chế hệ thống cơ nhai và ảnh hưởng quỹ đạo vận động khớp thái dương hàm.

Hãy tưởng tượng hướng dẫn hàm dưới sang bên bằng răng nanh cũng như kéo 1 quả tạ, thêm 1 răng hướng dẫn sẽ thêm 1 quả tạ, lực ma sát càng tăng thì hệ thống cơ nhai càng nhanh mỏi. Đó là lý do vì sao răng hàm bị mài mòn, nứt vỡ; bệnh nhân cảm thấy thường xuyên mỏi hàm và đau khớp thái dương hàm dữ dội.

Ở nha khoa Thùy Anh, đối với những bệnh nhân phục hình nhiều răng sứ, chúng tôi thường xuyên sử dụng máy Tscan kiểm tra những điểm chạm khớp không hợp lý nhằm đưa về khớp cắn lý tưởng cho bệnh nhân sau khi chỉnh sửa. Hệ thống máy Tscan hiển thị biểu đồ lực nhai thông qua từng màu sắc khác nhau, dựa vào đó bác sĩ có thể chỉnh sửa tối thiểu nhưng vẫn đảm bảo tối đa chất lượng.

Máy cắn chỉnh khớp cắn Tscan tại nha khoa Thùy Anh

Nếu không tái lập được hướng dẫn sang bên bằng răng nanh thì sao? Liệu còn phương án nào khác có thể thay thế nhưng vẫn đảm bảo chức năng? 

Để trả lời câu hỏi trên, các nhà lâm sàng đã tìm ra một thuật ngữ mới – “Hướng dẫn nhóm”. Thay vì một mình răng nanh đảm nhận trọng trách làm hướng dẫn viên cho hàm dưới trên con đường di chuyển sang bên, hướng dẫn nhóm là sự kết hợp giữ răng nanh và răng cối nhỏ ở phía sau. 

Dưới đây là một số trường hợp ứng dụng hướng dẫn nhóm trong vận động đưa hàm dưới sang bên:

    • Răng nanh đã điều trị tuỷ, đã làm chụp sứ hoặc được trồng implant thay thế răng mất. Những răng này không còn vững chắc như ban đầu nên cần san sẻ lực.
    • Trồng implant thay thế nhiều răng liên tục bao gồm răng nanh. Phục hình phía trên implant được thiết kế hình thành hướng dẫn nhóm nhằm tối thiểu lực nhai tác động vào mỗi răng.
    • Khớp cắn hạng III: Tương quan khớp cắn không bình thường vì vậy tiếp xúc giữa 2 răng nanh khi đưa hàm sang bên cũng bất thường. Niềng răng là phương án tối ưu giúp cải thiện trường hợp sai khớp cắn hạng III, giúp cải thiện thẩm mỹ cũng như chức năng cho bệnh nhân
    • Khớp cắn hở: Là trường hợp nhóm răng trước không chạm nhau ở mọi vị trí, hướng dẫn hàm dưới sang bên không phải là ngoại lệ. Nếu cố tình phục hồi hình thể răng nanh để đạt hướng dẫn sang bên sẽ gây hậu quả bất thường hình thể gây mất thẩm mỹ và rối loạn khớp cắn.

Qua thông tin bài viết trên, bác sĩ Mạnh (nha khoa Thùy Anh) đã cung cấp toàn bộ những thông tin liên quan tới chủ đề hướng dẫn răng nanh. Đây là một chủ đề khá hàn lâm nhưng rất quan trọng, là một trong những yếu tố thiết yếu giúp ổn định tương quan khớp cắn và hệ thống cơ nhai.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background