Răng vĩnh viễn mới mọc bị sâu vào tủy có nguy hiểm không?
Sâu răng là một bệnh lý răng miệng quen thuộc đối với mỗi người chúng ta. Sâu răng có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, răng sữa và răng vĩnh viễn. Nhưng khi một chiếc răng vừa mới thay mà có dấu hiệu sâu răng hay chấn thương không may gãy răng vào tủy thì có ảnh hưởng như thế nào tới sự tồn tại lâu dài của chiếc răng đó? Chắc hẳn nhiều bậc bố mẹ rất băn khoăn lo lắng khi trẻ vừa mới thay răng mà đã bị sâu hỏng răng hay chơi đùa không may ngã gây chấn thương răng, liệu việc chữa trị có dễ dàng? Chiếc răng ấy tồn tại thêm được bao lâu?
Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Phương Thúy (nha khoa Thùy Anh) sẽ thông tin tới quý phụ huynh về các phương pháp điều trị đối với những răng vĩnh viễn chưa đóng chóp khi bị sâu vào tủy. Chắc chắn bài viết này sẽ giúp trang bị thêm kiến thức cho mọi người đặc biệt là những ai đang có con cái ở trong độ tuổi thay răng thì sẽ hiểu thêm và có quyết định đúng đắn xử lý kịp thời khi gặp tình trạng trên.
Răng vĩnh viễn chưa đóng chóp là gì?
Răng vĩnh viễn chưa đóng chóp là răng mới mọc trên cung hàm với chóp răng chưa đóng hoàn chỉnh. Sau khi răng vĩnh viễn xuất hiện trong miệng, chúng thường mất khoảng 3 – 4 năm cho việc đóng chóp răng.
Hình thể chân răng được quy định bởi sự phát triển chân răng bao gồm tăng chiều dài, tăng độ dày, và sự hẹp lại của hệ thống ống tủy ở vùng chóp (lỗ chóp).
Bất kì một sự gián đoạn làm cản trở cung cấp máu dẫn đến cản trở phát triển của chóp răng đều có thể dẫn đến chết tủy. Những răng chưa đóng chóp với mô tủy hoại tử ở người trẻ tuổi sở hữu hệ thống ống tủy rộng và lỗ chóp mở, thành chân răng mỏng. Đương nhiên khi răng chưa trưởng thành đã bị viêm tủy sẽ trở nên rất yếu.
Lỗ sâu lớn sát tủy hoặc sâu vào tủy sẽ làm hệ thống tủy răng nhiễm khuẩn, chúng có thể dẫn đến viêm tủy không có khả năng hồi phục lâu ngày không điều trị sẽ gây hoại tử tủy và viêm quanh cuống răng.
Răng vĩnh viễn chưa trưởng thành mà tủy răng tổn thương làm chân răng không thể tiếp tục dài ra, thành ngà chân răng mỏng dẫn đến tỷ lệ thân và chân răng không thuận lợi, dễ bị gãy.
Mặt khác răng chưa đóng chóp không có nút chặn chóp nên khó xác định chiều dài làm việc và trám bít ống tủy, đặc biệt là với phương pháp thông thường. Chúng cũng làm tăng khả năng cho gãy chân răng sau điều trị tủy.
Vì những lí do đó, răng sâu vào tủy rất nguy hiểm, cần điều trị phù hợp và theo dõi lâu dài. Trong điều trị tủy răng vĩnh viễn chưa trưởng thành mục tiêu duy trì bảo tồn răng được đặt lên hàng đầu.
Các phương pháp điều trị
Hiện nay có 3 phương pháp điều trị chính là tạo chóp, đóng chóp bằng vật liệu và nội nha tái sinh.
1. Phương pháp tạo chóp
Chỉ định răng chưa đóng chóp tủy còn sống. Sinh chóp là sự hình thành sinh lí phần cuối chân răng của một răng đang hình thành chưa hoàn toàn bị hở tủy trong tình trạng tủy còn sống. Nói dễ hiểu là phát hiện tổn thương tủy sớm, vi khuẩn chưa tấn công chóp răng thì ta lấy tủy phía trên và cố gắng để lại phần tủy chân cho răng phát triển đóng chóp bình thường.
Các kĩ thuật được thực hiện bao gồm:
- Che tủy gián tiếp
Sử dụng cho răng sâu lớn mà chưa lộ tủy hoặc viêm tủy có khả năng hồi phục. Kỹ thuật này thực hiện bằng cách lấy bỏ hết tổ chức sâu, cô lập vi khuẩn đáy lỗ sâu, thay đổi môi trường sống của vi khuẩn dẫn đến làm chậm hoặc ngừng tiến triển sâu răng, hình thành ngà thứ phát.
- Che tủy trực tiếp khi có lộ tủy kích thước nhỏ không có nhiễm trùng lan rộng hoặc hở tủy sau chấn thương dưới 24 giờ.
Kỹ thuật: Gây tê, làm sạch, làm khô, đặt chất che tủy và trám phục hồi thân răng.
Những trường hợp trên đều phải theo dõi định kỳ trên lâm sàng và Xquang.
- Phương pháp lấy tủy buồng
Dựa vào các nghiên cứu hiện nay y học đã tìm ra sự tương quan giữa sự phát triển lỗ sâu và sự xâm nhập vi khuẩn vào mô răng.
Với lỗ sâu lớn, vi khuẩn xâm nhập vào các tổ chức cứng mô ngà nhưng chưa đến tủy thì có hiện tượng sâu ngà sâu, viêm tủy có hồi phục.
Với răng viêm tủy không hồi phục thì vi khuẩn đã xâm nhập gây viêm trong buồng tủy, xung quanh có mô viêm, hoại tử khu trú tại vùng tủy đó và các mô xa hơn vẫn bình thường. Vì vậy khi đặt vật liệu sinh học lên trên mô tủy lành mạnh, răng vẫn tiếp tục phát triển đóng chóp bình thường.
2. Phương pháp đóng chóp
Nếu không thể bảo tồn được tủy chân răng thì các phương pháp điều trị nhằm mục đích đóng kín chóp răng bằng vật liệu, tạo điều kiện trám bít ống tủy dễ dàng. Hiện nay sử dụng phổ biến 2 phương pháp là tạo nút chặn chóp và kích thích đóng chóp.
Phương pháp nút chặn chóp sử dụng vật liệu sinh học như MTA, Biodentine để tạo một nút chặn ở chóp răng.
Phương pháp kích thích đóng chóp sử dụng MTA hoặc canxi hydroxit đặt vào ống tủy cho kích thích mô quanh răng đóng chóp lại sau đó mới hàn ống tủy.
Để đánh giá sự thành công của kỹ thuật đóng chóp bằng vật liệu ta dựa vào lâm sàng răng không có triệu chứng, trên X – quang chân răng tiếp tục phát triển và hàng rào mô cứng ở chóp răng hình thành.
3. Phương pháp nội nha tái sinh
Đây là một phương pháp mới hiện nay. Cơ sở dựa vào sự hiện diện giàu tế bào gốc vùng chóp chân răng kể cả răng bị viêm quanh cuống, các tế bào này có khả năng biệt hóa thành tế bào giống nguyên bào ngà và ngà răng. Việc đưa tế bào gốc vào trong ống tủy giúp tái tạo mô. Nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy mô hình thành trong ống tủy là mô khoáng hóa tương tự xương răng, xương và liên kết dạng sợi giống dây chằng quanh răng.
- Chỉ định các trường hợp răng chưa đóng chóp tủy hoại tử hoặc răng có hay không sang thương quanh chóp, bệnh nhân hợp tác có kế hoạch điều trị và theo dõi.
- Chống chỉ định: Bệnh lí đông cầm máu, bệnh lí tim mạch, huyết áp, đang sử dụng thuốc tim mạch, rối loạn hệ miễn dịch.
Tỉ lệ thành công cao ở nhóm bệnh nhân 9 đến 13 tuổi.Dựa theo phân loại của Cveck thì sự phát triển chân răng theo các giai đoạn:
- Răng ở giai đoạn 1: Đạt chiều dài ngắn hơn ½ chiều dài chân răng với lỗ chóp mở.
- Răng ở giai đoạn 2: Đạt chiều dài bằng ½ chiều dài chân răng
- Giai đoạn 3: Đạt 2/3 chiều dài chân răng
Những giai đoạn trên nên sử dụng nội nha tái sinh.
- Giai đoạn 4: Gần như hoàn thành chân răng với lỗ chóp mở thì có thể chỉ định nội nha tái sinh hoặc tạo nút chặn chóp với MTA vì lúc đó thành ống tủy đã đủ độ dày và vững chắc.
Cần theo dõi định kỳ trên lâm sàng và Xquang Vùng quanh chóp cần 6 – 12 tháng để lành thương, thành chân răng tăng chiều dài sau 12 – 24 tháng sau điều trị, tăng chiều dài chân răng.
Theo dõi trên lâm sàng về đáp ứng của tủy răng và trên X – Quang 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và mỗi năm 1 lần trong vòng 5 năm
CTCB được chỉ định rộng rãi hơn khi tái khám để kiểm tra quá trình tiến triển của vùng chân răng.
So sánh giữa tỷ lệ thành công của phương pháp nút chặn chóp bằng vật liệu và nội nha tái sinh là tương tự nhau, tuy nhiên canxi hydroxit và MTA ít làm gia tăng kích thước và chiều dày thành ống tủy còn nội nha tái sinh có làm tăng độ dài chân răng và dày thành ống tủy hơn.
Trên đây là thông tin về phương pháp điều trị của nha khoa hiện đại ngày nay đối với các tổn thương vào tủy của răng vĩnh viễn chưa đóng chóp. Hi vọng bài viết trên sẽ giúp bạn đọc có thêm cho mình cái nhìn khách quan dễ hiểu hơn, đặc biệt khi gặp những tình huống chấn thương răng nhé.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh