Cắt phanh môi trên ở độ tuổi nào phù hợp? Khuyến cáo chi tiết
Giai đoạn trẻ em thay răng, thường được gọi là giai đoạn “vịt con xấu xí”, trong giai đoạn này, trên cung hàm tồn tại cả răng sữa và răng vĩnh viễn, hai răng cửa giữa vĩnh viễn khi mọc lên thường to và thưa. Hiện nay, nhu cầu thẩm mỹ tăng cao, cha mẹ cũng ý thức về việc này, và muốn tìm nguyên nhân để chỉnh sớm cho con.
Khi quan sát vùng răng này, chúng ta sẽ thấy một dải dây chằng bám từ môi tới vùng lợi, xương ổ răng giữa 2 răng được gọi là phanh môi. Cha mẹ cũng sợ rằng phanh môi trên bám sai vị trí có thể gây co kéo, gây thưa 2 răng cửa, nên muốn cắt cho con càng sớm càng tốt. Vậy, nhận thức này có đúng hay không? Nên cắt phanh môi tuổi nào cho phù hợp? Bác sĩ Nguyễn Hòa Bình – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng tại nha khoa Thùy Anh sẽ thông tin tới bạn đọc vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Phanh môi trên là gì? Hình thái và phân loại phanh môi bám thấp
Phanh môi trên là một nếp gấp niêm mạc hình lăng trụ tam giác, xuất phát từ bề mặt trong của môi bám vào thành xương ổ răng. Ranh giới bình thường của phanh môi trên là đường nối giữa niêm mạc bám dính và niêm mạc di động; khi phanh môi bất thường thì có thể bám thấp xuống nhú lợi hoặc vào mặt trong giữa 2 răng cửa. Chúng ta cùng xem hình ảnh phân độ của phanh môi:
– Độ 1: Bám bình thường vào niêm mạc
– Độ 2: Bám bất thường vào lợi dính
– Độ 3: Bám bất thường vào nhú lợi
– Độ 4: Bám bất thường quá nhú lợi
Phanh môi bám thấp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Một số cha mẹ cũng quan sát thấy phanh môi bám thấp rất sớm ở trẻ sơ sinh, hoặc ở hàm răng sữa và cũng có tâm lý muốn cắt vì sợ ảnh hưởng tới sự mọc răng hay dự phòng thưa răng cửa sau này. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng rất thường thấy.
Trong một nghiên cứu năm 2017 về phanh môi của 100 trẻ sơ sinh tại viện Nhi đại học Stanford cho thấy ở tất cả các trẻ sơ sinh, phanh môi đều bám thấp ở một mức độ nào đó, 80% loại 2 (bám vào nhú lợi như hình minh hoạ trên). Phanh môi trên là một cấu trúc động, thường thay đổi theo từng cá thể khác nhau về hình dạng, kích thước và vị trí trong từng giai đoạn tăng trưởng và phát triển khác nhau.
Cùng với sự phát triển, phanh môi trên có xu hướng giảm về kích thước và giảm dần tầm quan trọng của nó trên lâm sàng. Ở trẻ em, phanh môi trên thường rộng và dày, trở nên mỏng và nhỏ ở người lớn. Trong y văn, có quan niệm phanh môi dày, bám thấp ở trẻ sơ sinh có thể cản trở vận động của môi, gây khó khăn cho trẻ khi bú mẹ, nhưng điều này không có bằng chứng khoa học. Nên nếu cha mẹ thấy trẻ sơ sinh có phanh môi trên rộng và dày thì cũng không cần quá lo lắng.
Cũng rất thường thấy trẻ nhỏ có phanh môi lớn chèn giữa 2 răng cửa sữa cho đến nhú khẩu cái. Khe thưa ở bộ răng sữa là hoàn toàn bình thường, khoảng trống này để có khoảng các răng vĩnh viễn (có kích thước to hơn nhiều so với răng sữa) mọc trong tương lai, bắt đầu từ 6 – 7 tuổi. Tỷ lệ khoảng trống giữa các răng ở bộ răng sữa là 70% với hàm trên và 63% trường hợp đối với hàm dưới.
Hướng phát triển của xương hàm trên (mũi tên xanh lục) hướng xuống dưới và sự dài ra của xương ổ răng và nướu xảy ra khi khuôn mặt của trẻ lớn lên. Vị trí phanh sẽ dần dần di chuyển lên trên khi răng di chuyển xuống dưới.
Phanh môi bám thấp ở độ tuổi răng hỗn hợp
Vấn đề cha mẹ quan tâm nhất là về mối liên hệ giữa phanh môi bám thấp và khe thưa 2 răng cửa giữa hàm trên. Sự xuất hiện của khe thưa răng cửa giữa là đặc điểm bình thường trong quá trình thay răng hay giai đoạn răng hỗn hợp, dù đang có một phanh môi trên bám bất thường. Răng cửa giữa hàm trên có thể mọc ra với khe thưa, nhưng nó thường tự động giảm khi mọc răng cửa bên và biến mất hoàn toàn khi răng nanh vĩnh viễn mọc.
Trên hình chúng ta có thể thấy hình ảnh 2 răng cửa giữa đang mọc bị thưa, phanh môi bám thấp vào vị trí mặt trong nhú lợi, tức mức độ 4.
Một năm sau, các răng cửa bên mọc ra. Chúng tác dụng một lực làm cho các răng cửa giữa trở nên gần nhau hơn. Khoảng trống giữa hai răng cửa được sử dụng để tạo điều kiện cho các răng cửa bên thẳng hàng. Khi các răng cửa bên mọc xong, khe hở nhìn chung sẽ được đóng lại hoàn toàn hoặc một phần. Nếu khe thưa vẫn còn sau khi răng cửa bên mọc, chúng ta phải đợi răng nanh vĩnh viễn mọc ra, bởi vì lực và cơ chế chuyển động tương tự cũng được áp dụng.
Có rất nhiều nghiên cứu về liên quan giữa phanh môi trên và khe thưa đường giữa trên thế giới. Các kết quả chỉ ra rằng phanh môi trên bám thấp là một yếu tố ảnh hưởng, không phải là một yếu tố quan trọng gây ra khe thưa đường giữa. Đây là xu hướng được tán thành nhiều nhất trên thế giới hiện nay.
Như vậy, việc cắt phanh môi bám thấp không được chỉ định để phòng ngừa khe thưa ở bộ răng vĩnh viễn. Đồng thời, cắt phanh môi bám thấp không được khuyến nghị trước khi răng nanh vĩnh viễn mọc lên. Nếu sau khi răng nanh mọc lên mà còn tồn tại khe thưa, kèm theo trẻ có phanh môi bám thấp, thì tuỳ tình trạng, có thể đóng khe thưa bằng vật liệu phục hồi hoặc chỉnh nha; phẫu thuật cắt phanh môi trên về vấn đề thẩm mỹ hoặc trong/sau khi chỉnh nha để có kết quả ổn định sau chỉnh nha.
Các ảnh hưởng khác của phanh môi bám thấp
Phanh môi bám sai vị trí có thể gây ảnh hưởng tới nha chu:
– Nếu phanh môi quá dày, bám sai vị trí vào lợi dính hoặc nhú lợi cản trở vệ sinh răng miệng, gây tích tụ mảng bám.
– Lực co kéo sẽ có thể kéo mô lợi về phía chóp tạo ra khởi đầu cho sự co lợi.
– Ảnh hưởng đến thẩm mỹ nụ cười, đặc biệt trong những trường hợp cười hở lợi
Khuyến cáo
Cha mẹ khi thấy 2 răng cửa giữa của con mọc lên có khe thưa thì đừng vội lo lắng, bởi đó là tình trạng bình thường. Nếu trẻ có phanh môi bám vào nhú lợi hoặc mặt trong giữa 2 răng cửa, nên chờ đợi tới khi răng nanh mọc. Nếu khe thưa vẫn còn, nên ưu tiên chỉnh nha đóng khe thưa kết hợp với cắt phanh môi bám thấp. Ngoài ra, cắt phanh môi bám thấp cũng có thể chỉ định trong trường hợp có thể gây ảnh hưởng tới nha chu, hoặc thẩm mỹ nụ cười, điều này cần được bác sĩ đánh giá cụ thể.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh