6 nguyên nhân gây ê buốt răng thường gặp

Ê buốt răng là bệnh lý gây nên những cơ đau nhức rất khó chịu. Vậy nguyên nhân gây nên tình trạng ê buốt răng là gì? Bác sĩ Phúc – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng tại nha khoa Thùy Anh sẽ thông tin tới bạn trong bài viết dưới đây. 

Ê buốt răng là gì? 

Ê buốt răng là tình trạng răng miệng xuất hiện những cơn đau, ê nhức khó chịu từ mức độ nhẹ như buốt thoáng qua, khi ăn nhai hay nặng như kéo dài khi ăn thức ăn nóng – lạnh. Những dấu hiệu này cho thấy ngà răng đang bị tác động trực tiếp hay gián tiếp quá mức. 

Ngà răng được bảo vệ bởi men phần thân răng và cement chân răng, góp phần tạo nên màu sắc, cấu trúc, dẫn truyền cảm giác, bảo vệ tủy răng. Ngà răng có những ống siêu nhỏ đó là ống ngà, chúng được sắp xếp theo mô hình xuyên tâm chạy từ tủy răng đến men răng phần thân răng và đến cement phần chân răng. 

Theo thuyết khí động học, bên trong ngà răng chứa dịch ngà và các nguyên bào ngà khi có tổn thương dưới tác động của các kích thích làm thay đổi áp suất trong ống ngà và dẫn truyền tới tủy răng gây nên phản ứng ê buốt.

Nguyên nhân gây ê buốt răng

1. Sâu răng

Là nguyên nhân hàng đầu gây ê buốt, do sụp đổ cấu trúc cứng tạo ra các lỗ sâu để lộ ngà, đồ ăn nóng lạnh tiếp xúc trực tiếp với ngà răng gây nên tình trạng nhạy cảm. Ê buốt răng là dấu hiệu cơ năng xuất hiện sớm của tổn thương sâu cho nên nha sĩ có thể hàn lại mà không cần lấy tủy. Bạn không nên để tình trạng ê buốt kéo dài mà không quan tâm xử lý, để muộn sẽ xuất hiện đau nhức khi đó nguy cơ chiếc răng sẽ phải lấy tủy và các điều trị leo thang. 

Phát hiện sâu răng, nhất là giai đoạn đã biểu hiện ê buốt không quá khó khăn, chỉ là nhiều bệnh nhân sợ gặp nha sĩ, họ nghĩ rằng sẽ đau lắm hay cố gắng chịu đựng thêm một thời gian nữa, khi đủ dũng khí đến nha khoa vẫn chưa muộn. Về bản chất thì việc hàn sâu răng không hề đau đớn, và điều trị hàn răng đơn giản này ngay lập tức giúp bạn chấm dứt cơn khó chịu. 

Ngược lại có vài lỗ sâu cũng khó phát hiện, thông thường là kẽ răng hoặc vị trí răng khôn mọc lệch đâm vào răng số 8. Nha sĩ ngoài quan sát, rà cây thăm khám, xì hơi… và chụp phim X – quang mới có thể xác nhận tổn thương vùng này. Hàn bịt kẽ tiếp xúc khó hơn hàn răng thông thường tuy nhiên vẫn thực hiện được an toàn và nhẹ nhàng. 

2. Mòn cổ răng

Mòn cổ răng có những biểu hiện ê buốt đặc trưng hay gặp khi đánh răng, uống nước nóng hoặc lạnh và nặng hơn là hít phải gió cũng buốt. Bản chất thì tổ chức mô cứng của răng bị mất ở vị trí cổ răng thường mặt ngoài có hình chữ V, đáy cứng màu vàng ánh lộ ngà răng. Nguyên nhân xuất phát từ khớp cắn làm răng bị xoắn vặn gây ra nứt vi thể men ngà cổ răng, dưới tác động chải răng cấu trúc men ngà nứt này sẽ bị khuyết. Tùy vào kích thước, độ sâu tổn thương nha sĩ sẽ chỉnh khớp cắn và hàn, chụp bọc hay chữa tủy.

3. Nứt gãy cấu trúc răng 

Nứt răng có 2 nhóm nguyên nhân chính, thứ nhất là do khiếm khuyết cấu trúc men răng như kém khoáng hóa hay sinh men bất toàn,… Thứ hai là do một lực tác động mạnh như chấn thương, lực cắn quá mạnh tác động vào các điểm yếu làm sứt mẻ răng. Hoặc có thể là sự kết hợp của 2 nhóm nguyên nhân trên.

Tùy vào hình thể nứt răng hay độ sâu đường nứt sẽ có các triệu chứng khác nhau từ mức độ cảm giác ê nhẹ hay buốt nhiều khi ăn uống và có thể là đau nhức khi cắn.

Với những tổn thương nứt gãy, bạn nên đến nha sĩ kiểm tra ngay để có hướng xử trí kịp thời tránh để tình trạng nặng hơn như đường nứt sẽ sâu tiến vào buồng tủy hay nứt hết thân răng kéo dài đến chân răng khi đó bạn sẽ đánh mất cơ hội cứu chữa chiếc răng của mình.

Nứt răng là một trong những bệnh lý khó chẩn đoán và điều trị dè dặt bậc nhất trong nha khoa. Thông thường bệnh chỉ chẩn đoán được trong giai đoạn muộn. Triết lý điều trị nứt răng cũng theo hướng làm từ từ và khoanh vùng tổn thương. Nha sĩ ban đầu có thể hàn trám, sau làm vòng đai thép gia cố chiếc răng và cuối cùng có thể phải lấy tủy hoặc tệ nhất là nhổ chân răng bị nứt rồi trồng răng mới giúp bạn. 

Người Việt Nam thì thích ăn đồ dai cứng, tuy nhiên chúng tôi khuyên bạn, để tránh các nguy cơ nứt vỡ răng nhất là lứa tuổi trung niên, bạn nên chọn đồ ăn mềm, với đồ cứng thì cắt nhỏ, nhai nhẹ nhàng và thận trọng. Một cú trái khoái khớp cắn gây cơn đau điếng người, từ đó chiếc răng cảm thấy không còn bình thường có thể là dấu hiệu cho thấy chiếc răng bạn đã bị nứt. 

4. Tụt lợi chân răng

Thường gặp nhiều ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi, răng lợi bị thoái hóa. 

Hoặc do chải răng sai cách, động tác chải răng ngang mạnh gây ra tổn thương mòn cổ mà và tác động gây tụt lợi để lộ bề mặt chân răng, răng sang chấn có bản ngoài xương ổ răng mỏng sẽ bị tiêu xương mặt ngoài gây ra tụt lợi chân răng hay gặp ở những răng cửa hàm dưới. Tụt lợi có thể do thói quen xấu như cắn móng tay hoặc bút chì, thói quen đẩy lưỡi, do bệnh viêm quanh răng…

Bề mặt chân răng lộ lớp bên ngoài mỏng là cement. Dưới tác động của các chất kích thích trong môi trường miệng lớp ngà bên trong dễ bị tác động gây tình trạng ê buốt.

Tùy vào nguyên nhân và mức độ tụt lợi nha sĩ có thể thực hiện thủ thuật che phủ chân răng bằng vạt di chuyển về phía thân răng có hay không ghép mô liên kết hoặc có thể kết hợp với phương pháp hàn một phần thân răng. Mục đích của thủ thuật là tái lập lại mô lợi che phủ chân răng giảm ê buốt và phục hồi thẩm mỹ, ngăn chặn bệnh lý tiến triển nặng hơn dẫn tới nguy cơ nhổ răng. Ngày nay điều trị ghép lợi đã phát triển và đạt được thành tựu đáng kể trong khả năng tiên lượng kết quả. Ghép lợi mỗi vị trí chỉ mất khoảng 45 phút và kết quả rất lâu dài. 

5. Các thói quen răng miệng xấu gây mòn răng

Nghiến răng là một thói quen răng miệng xấu xảy ra trong vô thức mà người bệnh ít khi nhận ra cho đến khi khám nha khoa phát hiện tổn thương mòn mặt nhai trầm trọng gây ê buốt răng. Bạn có thể phát hiện sớm bằng cách hỏi người thân trong nhà thường nằm ngủ chung với mình xem có nghe tiếng nghiến răng hoặc nhắc người thân sờ thử xem 2 hàm có cắn lại căng cứng các cơ mặt vào ban đêm lúc ngủ hay không, đó là các dấu hiệu của nghiến răng bạn có thể phát hiện sớm để điều trị. 

Bạn lưu ý rằng, nghiến răng thành tiếng chỉ biểu hiện khi bạn đã vào giấc ngủ say, bạn không thể biết được và người nhà nếu đã ngủ say trước bạn thì cũng khó mà phát hiện ra. Hơn nữa kiểu nghiến răng không tạo thành tiếng, tức siết chặt 2 hàm và cọ xát nhẹ sự nguy hiểm không thua kém gì nghiến ken két thành tiếng. 

Đặc điểm của bệnh lý này là có sự mòn răng đồng bộ ở các răng hàm hai bên, lớp men màu trắng bên ngoài bị mất để lộ lớp ngà vàng, mặt nhai có các hố lõm khớp với các đỉnh múi răng đối diện khi cắn theo phương thức chìa khóa ổ khóa.

Để điều trị ê buốt này trước tiên bạn phải giải quyết gốc rễ của nó là nghiến răng bằng cách mang các máng nhai phòng nghiến răng theo chỉ định của nha sĩ. Sử dụng thêm biện pháp tăng cường như dùng kem chống ê buốt để chải răng, hàn trám các tổn thương sớm, mức độ nặng cần phải lấy tủy và chụp bọc.

6. Ê buốt răng do các điều trị nha khoa

Buốt sau hàn răng là một vấn đề hay gặp như hàn thiếu, hở xoang trám, etching quá nhiều gây kích thích tủy, bonding chưa đủ lấp kín ống ngà. Để xử lý những chiếc răng ê buốt bạn cần gặp nha sĩ thăm khám buốt do vấn đề gì để giải quyết.

Ê buốt sau bọc sứ gặp ở các răng sống tủy, răng chưa điều trị nội nha. Ê buốt có thể được lý giải là do lớp ngà răng bị tác động trực tiếp bởi các yếu tố kích thích như đường hoàn tất hở, sứ bị vỡ, mô sâu chưa làm sạch trước khi chụp bọc, chỉ định chụp bọc chưa đúng với các răng đã có tổn thương tủy… Trường hợp đặc biệt những răng mòn mặt nhai sát tủy khi chụp bọc cũng sẽ buốt do lớp sứ bên trên mỏng và khoảng cách mặt ngoài sứ đến tủy ngắn nên tủy hay bị kích thích bởi các dẫn truyền nhiệt khi ăn đồ nóng hay lạnh. 

Tẩy trắng răng sử dụng các chất oxy hóa loại bỏ các phân tử màu trong men và ngà răng làm răng sáng hơn. Những chất oxy hóa này gây nên phản ứng nhạy cảm ngà, ê buốt có thể khéo dài vài ngày sau điều trị.

Qua những phân tích trên bạn có thể tự kiểm tra răng miệng của mình và xác định được phần nào nguyên nhân gây ê buốt răng như răng sâu, răng tụt lợi, răng mòn mặt nhai do nghiến răng, sứt mẻ răng… khi biết những nguyên nhân trên bạn có thể sắp đặt 1 cuộc khám nha sĩ kịp thời, điều trị tổn thương sớm nhất có thể.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background