Vì sao trẻ không hợp tác điều trị trong nha khoa? Cách để trẻ hợp tác

Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc nha khoa một cách đầy đủ nhất, tuy nhiên đôi khi cha mẹ vẫn chưa sát sao. Phần lớn phụ huynh giữ tư tưởng răng sữa sẽ thay nên không tránh khỏi lơ là. Chỉ đến khi trẻ quấy khóc, sưng mặt, bỏ ăn,.. mới đưa trẻ đi khám. 

Nếu hầu hết các trẻ đều vui vẻ điều trị răng miệng thì cũng có một số lượng không nhỏ không chịu hợp tác, tình huống thường xảy ra ở trẻ nhỏ tuổi, là lứa tuổi cần chăm sóc răng miệng nhất. Điều này gây chán nản, bất lực, thậm chí là bực tức đối với cha mẹ. Có những bậc cha mẹ đưa trẻ đi rất nhiều lần vẫn không thể điều trị, thậm chí còn đánh đập, bỏ lại trẻ tại phòng nha,… Bởi vậy trong bài viết dưới đây, bác sĩ Phương Anh tại nha khoa Thùy Anh sẽ chia sẻ tới quý phụ huynh nguyên nhân trẻ không hợp tác điều trị và cách khắc phục. 

Nguyên nhân khiến trẻ thiếu hợp tác điều trị nha khoa

Do độ tuổi 

Trẻ mọc đầy đủ răng sữa vào khoảng 2 tuổi rưỡi và thường bắt đầu đến khám nha lúc 3 tuổi. 6 tuổi trẻ sẽ bắt đầu mọc chiếc răng cối vĩnh viễn thứ nhất vậy nên tầm 3 – 6 tuổi được xem là độ tuổi khó điều trị nhất.

Trẻ nhỏ có thể có trải nghiệm, hiểu và nhận thức về tình hình răng miệng của mình khác với những trẻ lớn hơn. Điều trị nha khoa đòi hỏi ở một trẻ rất nhiều kỹ năng: Nằm xuống mà không cử động, há miệng lớn, chịu đựng sự khó chịu như: đèn chiếu, nước trong miệng, tay khoan,.. vị lạ, thậm chí có thể đau. 

Các biểu hiện như sợ hãi, lo lắng là sự phát triển tâm lý bình thường ở trẻ em, và trẻ nhỏ thường tỏ ra sợ hãi nhiều hơn so với trẻ lớn hơn.

Ngoài ra, việc điều trị cho 1 trẻ chưa từng có tiền sử đau răng chắc chắn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với 1 trẻ đã từng trải qua cảm giác đau. Cảm giác đau răng gây ám ảnh tạo nên nỗi sợ hãi khi thấy một người xa lạ với các dụng cụ lần đầu thấy đưa vào miệng của trẻ.  

Tác động bên ngoài

Trẻ em có thể mắc chứng sợ điều trị răng thông qua giao tiếp, trao đổi từ bố mẹ, anh chị em, những người thân khác và bạn bè. Nhiều nghiên cứu đã báo cáo rằng thái độ tiêu cực, sợ nha khoa của gia đình là những lý do phổ biến cho sự phát triển chứng sợ điều trị răng miệng ở trẻ. Các bạn thấy đối với nhiều người trưởng thành, các vấn đề về chứng sợ và lo lắng nha khoa đôi khi bắt đầu từ thời thơ ấu.

Ngoài việc truyền cho con cái cảm giác sợ hãi và lo lắng, cha mẹ đôi khi còn can thiệp vào việc điều trị nha khoa của các con, chẳng hạn bằng cách đặt câu hỏi về nhu cầu tiêm hoặc điều trị phục hồi, hay có thể nói rất nhiều lần về những trải nghiệm khó chịu của chính cha mẹ khi đi điều trị răng miệng trước đây. Nhiều phụ huynh lấy hình tượng bác sĩ ra dọa trẻ, nếu con không ăn bố mẹ sẽ đưa đi bác sỹ, nếu con không ngoan bác sĩ sẽ bẻ răng, nếu con làm việc đó bác sĩ sẽ tiêm… Điều này khiến hình ảnh bác sĩ và các điều trị sức khỏe không còn thân thiện mà thậm chí ngược lại còn khiến trẻ kinh hãi. 

Môi trường phòng khám

Khung cảnh phòng khám thông thường là ấn tượng đầu tiên, những yếu tố gây tâm lý sợ hãi cho trẻ như tường nhà màu trắng với những người lạ, âm thanh tay khoan ồn ào, tiếng khóc của những đứa trẻ khác,…

Yếu tố răng miệng tại chỗ

Đây là nguyên nhân phổ biến, điều trị nha khoa đau đớn thực sự và đôi khi phải chấp nhận. Với người lớn đau đã là trải nghiệm không ai trông đợi thì với trẻ em ấn tượng về đau càng ám ảnh. 

Cảm giác không hẳn là do tổn thương hiện có mà nó đôi khi chỉ cần nhìn thấy dụng cụ nha khoa, đèn ghế, tiếng kêu từ dụng cụ là đã khiến trẻ rùng mình. 

Ngoài ra, sự khó chịu cũng là một nguyên nhân khiến trẻ không hợp tác (khó chịu chứ chưa hẳn là đau). Khó chịu là một trạng thái tinh thần không thoải mái chủ yếu gồm sự cáu kỉnh và mất tập trung. Điều này thường xảy ra trong các tình huống mới lạ, nếu trẻ sợ hãi về những gì sẽ xảy ra, hoặc cảm thấy mất kiểm soát,…

Phải làm gì khi trẻ không hợp tác trong điều trị nha khoa?

Những phương án quý phụ huynh có thể tham khảo: 

+ Setup cuộc hẹn đầu tiên 

Lên kế hoạch cho cuộc hẹn đầu tiên càng sớm càng tốt, để trẻ có cái nhìn tích cực về nha khoa. Đừng đợi cho đến khi trẻ bắt đầu phàn nàn về răng. Nếu răng thực sự cần điều trị, bố mẹ nên hẹn gặp bác sĩ vệ sinh răng trước, để trẻ có thể chuẩn bị tâm lý quen thuộc cho những việc mà nha sĩ sẽ làm trong thời gian tới. Quan trọng là động tác vệ sinh răng không đau, thoải mái nên trẻ sẽ cởi mở hơn, đôi khi còn coi nha sĩ là người bạn mới.

+ Đơn giản hóa

Hãy giữ cho buổi điều trị nha khoa như một buổi dạo chơi, phụ huynh không nên rào trước đón sau bằng những câu như sẽ không đau đâu, sẽ rất dễ chịu, sẽ không có tiêm… Như vậy chỉ làm trẻ đề phòng, bố mẹ hãy coi như buổi thăm khám nha khoa là rất bình thường và mọi người đều phải đến nha sĩ kiểm tra răng. 

Điều trị cũng nên lựa chọn từ nhẹ đến nặng, không nên giải quyết các vấn đề nặng như điều trị tủy, nhổ răng ngay từ đầu. Có thể hàn một số răng sâu, hàn răng sâu thì chắc chắn không đau và trẻ hun đúc niềm tin lớn hơn nơi nha sĩ. 

+ Chơi trò chơi

Có thể cho trẻ làm quen trước việc khám răng bằng cách chơi trò chơi ở nhà, trong đó các bậc cha mẹ nhập vai thành nha sĩ, trẻ sẽ là bệnh nhân. Hoặc hãy cho trẻ xem các hình ảnh, ví dụ về việc khám răng. Bạn có thể dùng bàn chải nhỏ đưa vào miệng và đếm số răng, kiểm tra môi,má lưỡi,.. giúp bé quen với các dụng cụ trong miệng.

Chơi trò chơi còn có thể làm ngay trên ghế răng, với động tác bật đèn nha khoa, nâng hạ ghế, xịt hơi, xịt nước ghế máy lên lòng bàn tay…

+ Không dụ dỗ trẻ 

Các chuyên gia không khuyến khích bố mẹ hứa hẹn sẽ tặng phần thưởng nếu con ngoan ngoãn đến gặp nha sĩ. Điều này sẽ làm tăng sự e ngại của con ví dụ như bạn không nên thưởng con bằng đồ ngọt vì thực phẩm này có thể gây sâu răng. Thay vào đó, sau mỗi lần khám răng, hãy khen ngợi con yêu về thái độ và sự dũng cảm của bé.

+ Hợp tác với nha sĩ

Khi nha sĩ kiểm tra răng miệng, trẻ quấy khóc và tỏ thái độ bất hợp tác là điều bình thường. Bố mẹ nên giữ bình tĩnh để chuyên viên nha khoa xử lý các tình huống như thế theo cách nhẹ nhàng nhất. Nếu nha sĩ nhờ cầm hoặc giữ tay chân con, bạn cũng có thể hỗ trợ để trẻ có cảm giác thoải mái và yên tâm, tránh tình trạng bé gạt tay dụng cụ nha khoa ra khỏi miệng có thể gây nguy hiểm.

+ Sử dụng từ ngữ thích hợp

Không sử dụng từ ngữ quá gợi tả như đau, tiêm, nhổ với trẻ vì sẽ khiến bé càng sợ hãi hơn. Thay vào đó, bạn có thể dùng những từ ngữ ngộ nghĩnh nhằm giúp con vượt qua những tình huống khó khăn. Hãy nói với bé rằng nha sĩ đang tìm bắt con sâu trong miệng. Hãy sử dụng các cụm từ tích cực như hàm răng sạch sẽ, khỏe mạnh. Nha sĩ dùng cây thổi hơi cầm tay thì có thể nói là quạt mát răng, xịt nước thì là xỉa răng bằng nước…

+ Giải thích

Giải thích cho trẻ việc đi khám răng là cần thiết để có một hàm răng khỏe mạnh ăn nhiều món ngon, một nụ cười đẹp. Có thể lấy hình ảnh răng xấu xí nếu không điều trị và hình ảnh răng đẹp khi đã được điều trị cho trẻ xem. Bố mẹ, người thân cần tích cực làm gương trong việc đi khám nha sĩ và giữ vệ sinh răng. 

Đối với trẻ quá nhỏ không thể giải thích bố mẹ không nên quát dọa, đánh trẻ, gây ấn tượng xấu cho trẻ trong các lần khám sau.

+ Chọn phòng khám thích hợp 

Hãy chọn những nha khoa có sắp xếp và trang trí phù hợp với trẻ nhỏ như: Phòng khám với màu sơn ấm, phòng chờ và phòng điều trị riêng biệt, tránh cho trẻ tiếp xúc âm thanh của những cuộc điều trị khác. Phòng khám bố trí đồ chơi và trang trí bắt mắt giúp trẻ cảm giác thoải mái và thân thiết, tránh tâm lý lo âu, sợ hãi do các cuộc thăm khám của trẻ khác…

Trên đây là một số nguyên nhân cơ bản cũng như giải pháp trong trường hợp trẻ không hợp tác điều trị nha khoa. Để có thể chăm sóc trẻ tốt nhất, bố mẹ nên đưa trẻ khám định kỳ 6 tháng một lần bắt đầu từ khoảng 2 tuổi rưỡi (mọc đầy đủ răng sữa) nếu bé không có đau hay khó chịu gì. Có thể vừa giúp trẻ làm quen với việc khám răng cũng như sớm phát hiện các vấn đề trên răng miệng. Nếu được phát hiện sớm có thể không cần điều trị hoặc điều trị đơn giản sẽ tạo cho bé sự thoải mái, niềm tin vào bác sĩ, sự tự tin trong những lần điều trị sau.

Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/tai-sao-nen-nieng-rang-cho-tre-som-co-dau-khong-gia-bao-nhieu-nieng-o-dau/

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background