Phụ nữ mang thai viêm đau răng khôn phải làm gì?
Như các bạn đã biết theo các chỉ định y khoa, một răng khôn nếu có biến chứng hoặc nguy cơ biến chứng thì cách điều trị tối ưu nhất là nhổ bỏ. Vậy với đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai thì có thể nhổ được hay không? Nguyên nhân đau răng khôn ở phụ nữ mang thai là gì? Những biến chứng nếu có sẽ gây hậu quả ra sao với cả mẹ và bé? Trong bài viết hôm nay chúng tôi sẽ giải đáp cho các bạn “ phụ nữ mang thai viêm đau răng khôn phải làm gì?”
Đầu tiên, khi có vấn đề răng khôn bạn cũng đừng hoang mang quá, nó là răng thừa thôi, tỷ lệ có răng khôn gây hại trên người trưởng thành là rất cao. Răng khôn là răng mọc sau cuối vào khoảng 17 đến 25 tuổi và nằm trong cùng của hàm răng. Vì mọc ở độ tuổi lúc xương hàm đã ổn định và không còn đủ không gian để có thể mọc lên bình thường giống các răng khác nên răng khôn gây các biến chứng như mọc lệch, lợi trùm gây sưng đau. Do đó, răng khôn thường bị nhổ bỏ vào khoảng thời gian này.
Mặt khác cũng nhiều trường hợp răng khôn có nguy cơ gây biến chứng mà chúng ta hay bỏ qua. Đó là những răng khôn mọc lệch nhẹ, lợi trùm ít ở phía xa. Bình thường các răng này không gây sưng đau khi cơ thể khỏe mạnh, vệ sinh răng miệng tốt và không có sự thay đổi quá lớn xảy ra.
Tuy nhiên đối với phụ nữ, quá trình mang thai sẽ mang đến rất nhiều thay đổi bên trong cơ thể, nên biến chứng răng khôn lại hay gặp hơn, vậy nên đối với phụ nữ việc sàng lọc nhổ răng khôn trước khi mang bầu là rất cần thiết.
Đây là câu hỏi của 1 bạn gái mang thai 5 tháng trên 1 diễn đàn y khoa. Bạn ấy bị viêm tủy răng lại cả đau răng khôn kết hợp, tuy nhiên vì bầu 5 tháng nên nha sĩ không chữa răng cũng không nhổ mà chỉ kê đơn thuốc. Bạn ấy rất đau đớn và nhờ mọi người tư vấn cách giúp đỡ.
Thực ra thì thai kỳ chia ra làm 3 thời điểm
Giai đoạn 1 là tháng 1-3
Giai đoạn 2 là tháng 3-6
Giai đoạn 3 là 3 tháng còn lại.
Các can thiệp nha khoa có thể thực hiện ở giai đoạn 2,3 thai kỳ. Vậy nên hoàn toàn tốt nếu mình chọn cách can thiệp chứ không phải uống thuốc rồi phải chịu đau đớn, nhiễm trùng. Tuy nhiên bác sĩ không thực hiện điều trị thì cũng có lý do, bởi vì hiện nay các nguy cơ thai sản tự nhiên trong dân cư rất cao, nếu chẳng may bác sĩ can thiệp và trong thời gian đó bệnh nhân có vấn đề trùng hợp thì bác sĩ cũng cực kỳ khó giải thích. Vì vậy theo chúng tôi các bạn có thể vào bệnh viện nhà nước hoặc ký cam kết để điều trị thay vì không làm gì cả như ca trong hình.
Qua nhiều nghiên cứu các nhà khoa học đã chứng minh, phụ nữ mang thai tồn tại hai yếu tố chính tác động làm tăng nguy cơ đau răng khôn là hiện tượng nghén và sự thay đổi mạnh của các nội tiết tố.
Việc nghén sẽ gây trào ngược axit từ dạ dày, giảm độ pH và tạo môi trường làm hại hàm răng của bạn. Thêm vào đó, khi nghén, bạn sẽ có thể thèm một số loại thực phẩm thường là đồ ngọt, có hàm lượng đường cao thuận lợi cho sâu răng phát triển cũng như bùng phát lại những vết sâu răng cũ và rất có thể nằm trong số đó là răng khôn của bạn, bạn có thể không phát hiện ra lỗ sâu đó và để cho tình trạng sâu trầm trọng dẫn tới viêm tủy gây ra những cơn đau dai dẳng.
Yếu tố thứ hai là sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là các hormon như estrogen, progesterone khiến mảng bám răng dễ tích tụ, sức đề kháng của cơ thể cũng xuống thấp và dễ nhạy cảm với bất cứ nhiễm trùng nào. Đối với răng khôn có lợi trùm thì đây chắc chắn là một cơ hội cho vi khuẩn phát triển nguy cơ gây viêm lợi trùm hoặc viêm quanh thân răng khôn dẫn đến sưng đau mà không thể không nhắc đến.
Như nghiên cứu trên đây cũng chỉ ra rằng trong quá trình mang thai, thai phụ sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng: viêm lợi, bệnh nhân đã có viêm lợi thì tình trạng sẽ nặng hơn, loét trong miệng có thể tiến triển thành u lợi lành tính hay còn gọi là epulis, răng lung lay hoặc bị ăn mòn, sâu răng cũng như là viêm quanh răng.
Những sự thay đổi như vậy, không chỉ răng khôn mà là toàn bộ hàm răng của bạn đều có thể bị ảnh hưởng xấu trong quá trình mang thai. Dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như sinh non, trẻ sinh ra thiếu cân, thiếu chất do sức khỏe của người mẹ bị ảnh hưởng thậm chí có trường hợp phải đình chỉ thai khi viêm nhiễm quá nặng.
Vậy nếu không may răng khôn của bạn bị sưng đau trong quá trình mang thai thì có thể nhổ bỏ hay không? Thực tế thì y văn trên thế giới đã chứng minh các phương tiện sử dụng trong quy trình nhổ răng như chụp phim Xquang, thuốc gây tê hay các loại thuốc dùng sau quá trình nhổ răng như thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm nếu được chỉ định và sử dụng đúng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi.
Cùng với đó, các điều trị nha khoa nếu có sẽ được áp dụng vào giai đoạn 2 thai kỳ. Đây là thời điểm thai nhi đã phát triển ổn định hơn giai đoạn 1 (3 tháng đầu) và cơ thể người mẹ cũng chưa quá khó khăn khi nằm điều trị trên ghế răng như giai đoạn 3 (3 tháng cuối). Bạn hoàn toàn dùng được thuốc tê, chụp phim x-quang, có thể nhổ răng và dùng các loại thuốc uống dành riêng cho phụ nữ mang thai như trong nghiên cứu trên.
Khoa học đã chứng minh rằng có thể can thiệp nha khoa kể cả nhổ răng, chụp x-quang cho phụ nữ mang thai giai đoạn 2,3. Tuy nhiên con cái luôn là tất cả với người mẹ nên nếu bạn vẫn không muốn can thiệp ngay do có những lo lắng riêng. Lúc đó chúng ta sẽ chọn can thiệp tối thiểu.
Theo như các phân tích đưa ra ở trên, các nguyên nhân đau răng khôn chủ yếu xuất phát từ việc tích tụ mảng bám, viêm nha chu và tình trạng vệ sinh răng miệng chưa tốt. Những nguyên nhân này có thể loại bỏ một cách dễ dàng thông qua thủ thuật như lấy cao răng, bổ sung thêm nước súc miệng chuyên dụng có chlorhexidine, uống thuốc kháng sinh, kháng viêm. Đây là một thủ thuật hết sức đơn giản và ít xâm lấn, tránh được can thiệp ngoại khoa như nhổ răng trong thời kỳ mang thai. Mặc dù vậy, đây chỉ là cách để tạm hoãn việc nhổ răng của bạn. Sau khi sinh thì chiếc răng khôn này vẫn cần nhổ bỏ tránh các viêm nhiễm tái phát.
Tuy vậy bạn cũng chú ý, nếu là viêm tủy răng như bạn gái mang thai 5 tuần hỏi phần đầu bài thì uống thuốc sẽ không đỡ đau. Viêm tủy răng thì chỉ có lấy hết tủy viêm mới khỏi triệu chứng.
Tóm lại, bạn cần tăng cường vệ sinh răng miệng, đi khám nha khoa, kiểm tra tình trạng răng khôn trước và trong quá trình mang thai. Nếu mình bỏ lỡ việc đó rồi thì khi mang thai có đau răng khôn cũng đừng lo lắng. Tham khảo ý nha sĩ để nhổ bỏ các răng khôn hoàn toàn có thể thực hiện vào giai đoạn thứ 2,3 thai kỳ. Bạn cũng có thể được nha sĩ vệ sinh chuyên dụng bằng các đầu siêu âm, cho nước súc miệng kháng khuẩn cũng như các thuốc kháng sinh kháng viêm dành riêng cho mẹ bầu.
Chỉ cần thực hiện theo những điều rất đơn giản này là bạn đã có thể cải thiện sức khỏe răng miệng, từ đó nâng cao sức khỏe của bản thân. Hy vọng những kiến thức mà chúng tôi vừa chia sẻ sẽ giúp ích để các bạn gái có hành trang tốt nhất cho một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh