Những lưu ý về quá trình thay răng sữa của trẻ – nha khoa Thùy Anh
Tại sao lại có sự thay răng? Thời điểm nào bắt đầu/kết thúc thay răng? Làm sao để nhận biết răng đã thay và chưa thay? Và sẽ có bao nhiêu chiếc răng được thay/mọc thêm?… à những vấn đề phụ huynh cần đặc biệt quan tâm khi con trẻ tới tuổi thay răng sữa. Tất cả thông tin sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây, mời các bạn cùng tham khảo.
Tại sao lại có sự thay răng? Thời điểm bắt đầu/kết thúc thay răng
Vòng đời con người sẽ gắn liền với 3 bộ răng phù hợp với từng giai đoạn phát triển bao gồm bộ răng sữa, bộ răng hỗn hợp, bộ răng vĩnh viễn.
Bộ răng sữa có 20 cái bắt đầu mọc lúc trẻ 6 -7 tháng tuổi, đầy đủ 20 răng ở độ tuổi từ 2.5-3 tuổi sau đó 6 tuổi bắt đầu thay răng sữa. Bạn hãy nhớ rằng ngay khi bé vào lớp 1 cũng là thời điểm kích hoạt quá trình thay răng sữa. Việc thay răng sữa rất có nhiều lợi ích vì răng vĩnh viễn sẽ khỏe hơn, to hơn phù hợp kích thước cung hàm khi trẻ lớn lên.
Giai đoạn thay răng sữa (còn gọi là bộ răng hỗn hợp). Bộ răng hỗn hợp khởi đầu là lúc có thêm 4 chiếc răng số 6 (là răng vĩnh viễn) và kết thúc quá trình thay răng là lúc mọc thêm 4 răng số 7 tầm 12 tuổi.
Vào lúc 12 tuổi sẽ có 28 chiếc răng vĩnh viễn và đa phần chúng ta sẽ có 1 đến 4 chiếc răng khôn mọc lên sau này nữa .
Giai đoạn nhạy cảm nhất trong việc bảo vệ răng là giai đoạn răng sữa và răng hỗn hợp, tức là trẻ dưới 12 tuổi. Độ tuổi này trẻ chưa có ý thức tự giác cao trong việc tự chăm sóc, phụ huynh cũng có phần chủ quan vì nghĩ răng sữa kiểu gì chả thay… điều này dẫn đến tỷ lệ sâu răng, mất răng tăng cao.
Các dấu hiệu và đặc điểm của quá trình thay răng sữa
Những chiếc răng sữa khi nhổ lên chỉ có thân mà không có chân răng, chắc những bậc phụ huynh từng nhổ răng sữa cho con hay đưa con đi nhổ có chung thắc mắc. Thực chất nhổ răng sữa chỉ thấy thân răng mà không thấy chân răng là do cơ chế thay răng: khi đến độ tuổi thay răng, mầm răng vĩnh viễn sẽ hoàn thiện chân răng của nó, điều này đẩy mầm răng vĩnh viễn theo hướng nhô ra khỏi xương hàm. Răng vĩnh viễn bên dưới dài ra tạo áp lực lên răng sữa bên trên làm tiêu dần chân răng sữa. Vậy nên lung lay răng sữa là dấu hiệu báo hiệu sự thay răng.
Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết và đặc điểm thay răng sữa:
+ Độ tuổi của trẻ
– 2 răng cửa giữa trên và dưới: 6 đến 7 tuổi
– 2 răng cửa bên trên dưới: 7 đến 8 tuổi
– 2 răng hàm trên dưới thứ nhất: 9 đến 11 tuổi
– 2 răng nanh trên: 10 đến 12 tuổi
– 2 răng nanh dưới: 9 đến 12 tuổi
– 2 răng hàm trên dưới thứ hai: 10 đến 12 tuổi
Trẻ có thể mọc răng sớm hoặc muộn hơn. Thường ở bé gái sẽ thay răng sớm hơn so với ở bé trai.
Có những trường hợp răng đã đến tuổi thay nhưng vẫn cứng chắc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để xác định trẻ đang gặp tình trạng bình thường hay có vấn đề xảy ra.
Nha sĩ sẽ cho chụp phim kết hợp thăm khám trong miệng và so sánh với răng đối diện đã lung lay nhiều hay mọc lên chưa. Vì những răng tương ứng ở 2 hàm đối diện thường phát triển như nhau, từ đó ta đưa ra các hướng điều trị như sau:
– Răng sữa đối diện chưa lung lay ta cần theo dõi thêm
– Răng sữa đối diện đã lung lay nhiều hay mọc lên thì ta sẽ tiến hành gây tê nhổ.
Răng sữa lung lay
Răng trẻ bị lung lay là dấu hiệu thay răng sữa dễ nhận biết nhất. Cha mẹ không nên nhổ răng lung lay của trẻ quá sớm hay quá muộn.
– Nhổ răng sữa quá sớm: Gây ảnh hưởng tới khả năng nhai, làm mềm xương hàm, phần lợi sẽ bị xơ hóa dày lên cản trở răng mọc, làm cho trẻ chậm mọc răng vĩnh viễn.
– Nhổ răng sữa quá trễ: Răng vĩnh viễn sẽ không có chỗ để phát triển, có thể dẫn đến tình trạng chen chúc sau này.
Quá trình thay răng sữa như ở các răng cửa là 1 – 2 tháng, răng hàm là 6 tháng. Vậy răng lung lay mức độ nào, thời điểm nào thì có thể nhổ được?
Để xác nhận chiếc răng sữa lung lay đó đã nhổ được chưa bố mẹ có thể đặt ngón tay lên mặt nhai răng và dùng động tác lắc nhẹ không dùng nhiều lực. Nếu chiếc răng đó có biên độ lung lay hơn 1mm thì đây là thời điểm thích hợp để nhổ chiếc răng này.
Có những chiếc răng mức độ tiêu chân răng không đồng nhất, lung lay ít, lúc này vai trò của bác sĩ rất quan trọng. Trẻ đến phòng khám và được bác sĩ chụp X – quang tại chỗ (cường độ tia cực thấp không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ) xác định chính xác mức độ tiêu chân răng sữa và mầm răng vĩnh viễn bên dưới để quyết định nhổ hay theo theo dõi thêm.
Đa phần, sau một thời gian lung lay, răng sữa sẽ dễ dàng rụng khi có tác động nhẹ. Khi đó, cha mẹ có thể tự nhổ răng sữa cho bé tại nhà. Nhưng lựa chọn tối ưu nhất là đến với bác sĩ răng để được nhổ và kiểm tra tổng quát nhiều vấn đề khác.
Nếu răng sữa đã nhổ một thời gian mà răng vĩnh viễn vẫn chưa mọc, bạn cũng nên đưa trẻ đi khám.
Răng bị mọc lẫy, mọc kẹt
Trường hợp răng mọc lẫy do nhiều nguyên nhân gây ra như yếu tố di truyền, răng sữa tiêu chậm, cung hàm trẻ nhỏ, các tật xấu cận chức năng (như mút môi, mút ngón tay, cắn đồ vật cứng..), chấn thương va đập. Nhiều trường hợp răng sữa đến độ tuổi thay mà vẫn không lung lay nhưng răng vĩnh viễn thay thế đã nhú ra khỏi lợi thì phụ huynh nên dẫn trẻ đến nha sĩ tiến hành nhổ chiếc răng sữa cho trẻ vì những răng sữa này cần được gây tê tiêm để nhổ không đau.
Trường hợp răng cửa hàm dưới mọc lẫy vào bên trong có thể trở lại vị trí đúng nếu kích thước khoảng nhổ răng sữa lớn hơn hoặc bằng kích thước các răng vĩnh viễn thay thế, cộng thêm lực đẩy của lưỡi ra bên ngoài thì răng sẽ tự động ngay ngắn. Còn các trường hợp răng mọc lẫy khác cần can thiệp chỉnh nha đưa về vị trí đúng cho hàm răng đều đẹp.
Chăm sóc trẻ ở độ tuổi thay răng như thế nào?
Để có hàm răng trắng sáng, đều và đẹp ở tuổi trưởng thành, việc chăm sóc giai đoạn thay răng sữa là cực kỳ quan trọng. Ngoài việc chú ý theo dõi tình trạng thay răng ở trẻ để nhổ đúng thời điểm thì bố mẹ cần lưu ý:
– Hướng dẫn, nhắc nhở trẻ vệ sinh răng cẩn thận 2 lần mỗi ngày. Hướng dẫn trẻ dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa dính vào kẽ răng, ngăn ngừa các bệnh về nướu.
– Với những trẻ chưa thể tự giác vệ sinh răng, bố mẹ nên quấn gạc vào ngón tay lau cho bé, hoặc chải răng giúp bé đồng thời hướng dẫn dần các kỹ năng chăm sóc bản thân.
– Cho trẻ đi khám răng định kỳ theo lịch hẹn của nha sĩ. Khi có răng lung lay thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
– Chườm lạnh hoặc dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau cho bé khi răng lung lay gây đau.
– Tránh cho trẻ ăn những món không tốt cho răng như đồ ăn cứng, nóng, lạnh,… hay những đồ có nhiều đường, nước ngọt có ga…
– Quan sát và loại bỏ một số thói quen có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của răng như mút tay, nghiến răng, lấy lưỡi đẩy vào răng, chống cằm… Những thói quen này có thể khiến răng hô, răng mọc lệch, răng mọc chen chúc hoặc quá thưa, răng hàm trên không khớp với hàm dưới.
Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề trẻ em thay bao nhiêu răng sữa nói riêng và con người thay bao nhiêu cái răng nói chung của bạn đọc. Nếu có bất kỳ băn khoăn gì bạn hãy để lại thông tin hoặc liên hệ với bác sĩ của chúng tôi theo địa chỉ dưới đây để được tư vấn cụ thể hơn.
>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/nieng-rang-cho-tre-8-tuoi-co-qua-som-hay-khong-nha-khoa-thuy-anh/
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh