Hướng dẫn nhai và nuốt đúng cách – Lời khuyên từ bác sĩ nha khoa
Nhiều người nghĩ nhai thức ăn là chuyện nhỏ và không quan tâm lắm. Tuy nhiên, việc nhai đúng là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe răng miệng, hệ tiêu hóa. Trong bài viết dưới đây, nha khoa Thùy Anh sẽ hướng dẫn bạn cách nhai và nuốt đúng cách, mời bạn đọc cùng tham khảo.
Hậu quả của việc nhai không đúng cách
Nhai một bên hàm là thói quen thường thấy ở nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Nhưng ít ai biết rằng thói quen này sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề:
Răng bị mài mòn “gấp đôi”
Mặc dù rất cứng rắn, nhưng hàm răng của chúng ta mỗi ngày đều phải nhai nuốt thực phẩm nhiều lần. Hoạt động nhai duy trì hằng ngày và kéo dài tới hàng thập kỷ, nên dù có bền chắc tới đâu, hàm răng vẫn bị mài mòn.
Hàm răng hao mòn quá độ và bất cân xứng khiến chức năng nhai nuốt kém hiệu quả.
Ví dụ: Trước kia, bạn chỉ cần nhai 5 lần là có thể nuốt thức ăn, thì với thói quen nhai một bên hàm, bạn sẽ phải nhai tới 10 lần hoặc nhiều hơn mới có thể thực hiện động tác nuốt.
Việc nhai lệch một bên còn có thể khiến răng trở nên “lộn xộn”. Nguyên nhân bởi bên răng thường dùng sẽ ngày càng mòn, thấp. Khi đó những chiếc răng ở bên còn lại, do ít vận động nên tổ chức xung quanh răng bị yếu và mỏng dần, tích tụ cao răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây ra sâu răng hoặc viêm nhiễm. Trong quá trình vệ sinh răng cho bệnh nhân, khi phát hiện 1 bên hàm nhiều cao răng hơn hẳn bên kia, bác sĩ tại Thùy Anh thường khuyên bệnh nhân cố tập nhai đều 2 bên.
Lệch mặt
Theo các nghiên cứu, động tác ăn nhai, cả 2 hàm răng trên và dưới đều cùng hoạt động, phối hợp nhịp nhàng giúp nghiền nát thức ăn trước khi đưa vào dạ dày, giúp hệ thống tiêu hóa luôn được khỏe mạnh. Đồng thời, nhai khi ăn còn đảm bảo cho cơ hàm và răng phát triển bình thường, cân đối.
Tuy nhiên, một số người có thói quen chỉ nhai một bên. Điều này tưởng chừng như vô hại, nhưng nếu kéo theo dài liên tục trong nhiều năm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và thẩm mỹ khuôn mặt. Vì trong quá trình nhai lệch, cơ hàm chỉ phát triển một bên, còn cơ kia do ít vận động nên sẽ co lại, khiến mặt bị lệch. Thậm chí nghiêm trọng hơn, nhiều người có thể lệch cả sống mũi.
Tổn thương khớp thái dương hàm
Khớp thái dương hàm có vai trò giúp chúng ta thực hiện các động tác như há miệng, ngậm miệng. Mọi hoạt động như ăn, nói, ngáp… đều cần tới bộ phận quan trọng này. Khi nhai lệch một bên, khớp thái dương hàm sẽ mòn dần và không đều ở hai bên, dễ dẫn tới tình trạng sai khớp, hoặc há miệng sẽ nghe thấy âm thanh khớp xương va chạm.
Nếu kéo dài, khớp thái dương hàm có thể bị rối loạn, đau đớn, thậm chí khiến người bệnh không đóng, mở được miệng một cách bình thường.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này gồm:
+ Khuyết thiếu răng: Nếu 1 bên hàm không có đầy đủ răng, có thể bạn sẽ hình thành thói quen nhai về bên còn lại.
+ Bạn có răng đau: 1 bên hàm xuất hiện răng đau đồng nghĩa với việc bạn sẽ cảm thấy đau đớn khi có tác động vào bên hàm đó. Để tránh cảm giác đau đớn, nhiều người thường chọn cách nhai về bên hàm còn lại.
+ Bệnh lý: Tình trạng viêm nha chu, viêm lợi, sâu răng xuất hiện ở một bên hàm cũng là một trong những lý do dẫn tới tình trạng nhai lệch.
+ Thói quen xấu: Để loại bỏ thói quen xấu bạn cần kiên trì tập luyện hàng tháng trời, khi đó phản xạ nhai cân đối 2 bên mới thiết lập lại trở thành vô thức.
Vậy nhai như thế nào mới gọi là đúng?
Nhai là một hoạt động trung gian, để đưa thức ăn vào hệ tiêu hóa, trước khi nhai được bạn phải chọn được những loại thức ăn tốt, và nhai xong rồi thì bạn cũng cần nuốt thức ăn xuống dạ dày sao cho sinh lý. Bởi vậy, bạn hãy bắt đầu bằng việc chọn thức ăn thật có lợi cho hệ tiêu hóa và bộ máy nhai, cùng với việc nuốt chuẩn bạn nhé.
Về việc lựa chọn thực phẩm, chúng ta có thể chia thực phẩm thành các nhóm:
– Thực phẩm từ ngũ cốc
– Rau: Trái cây
– Thịt
– Sữa
– Món tráng miệng: kem, sữa chua…
Thực phẩm bạn nên chọn phối hợp đủ dinh dưỡng, đủ chất xơ, và nên ăn đồ mềm. Người Việt chúng ta có thói quen ăn đồ cứng, đồ quá cay hoặc quá nóng, lạnh nên răng rất dễ bị vỡ, mẻ.
Cách nhai đúng:
+ Nhai thật đều 2 bên: Đặc biệt trẻ em rất hay bắt gặp tình trạng nhai một bên hàm. Người lớn nếu như có thể dùng ý chí, hiểu biết điều chỉnh thói quen thì trẻ nhỏ bạn chỉ có thể huấn luyện. Có thể với 1 viên kẹo cao su không đường trước và tập cho trẻ nhai tập trung vào phần bên hàm thường không nhai tới, động tác nhai điều chỉnh dần dần cho đến khi trẻ có thể vô thức điều chỉnh nhai đều 2 bên, trong bữa ăn bạn cũng nên nhắc nhở trẻ thường xuyên về việc đảo viên thức ăn đều và chú ý nhai vào bên hàm thường quên không sử dụng.
+ Nhai thật kỹ: Các nghiên cứu chỉ ra rằng bạn nên nhai khoảng 32 lần trung bình trước khi nuốt. Các thực phẩm dai, cứng có thể yêu cầu cao hơn lên đến 40 lần và thực phẩm mềm thì chỉ cần 10-15 lần là đủ. Ngoài số lần nhai thì yếu tố cũng quan trọng là nhai chậm, vì nếu nhai quá nhanh bạn sẽ có xu hướng ăn nhiều, đưa quá nhiều thực phẩm vào cơ thể.
+ Biết chức năng chính xác của từng nhóm răng và sử dụng chuẩn xác: Răng hàm dùng để nhai nghiền và răng cửa dùng cắn xé. Bạn không nên dùng răng cửa để nhai nghiền thức ăn vì răng cửa chỉ có 1 chân yếu ớt, rất dễ bị mòn và nhạy cảm.
Bí quyết để nhai tốt và tận dụng tối đa chất dinh dưỡng từ bữa ăn
– Không lấy nhiều thức ăn vào thìa hoặc dĩa. Đừng để thức ăn rơi.
– Khi cho đồ ăn vào miệng, hãy khép môi và bắt đầu nhai. Lưỡi của bạn phải di chuyển từ bên này sang bên kia và hàm nên xoay nhẹ.
– Nhai đều 2 hàm răng. Nhai chậm, đếm đến 32 lần với mỗi miếng thức ăn nếu đang muốn điều chỉnh để nhai chuẩn hơn. Thường quy bạn không cần đếm mà chỉ cần cảm nhận độ nhuyễn của thức ăn cho thành thói quen.
– Khi miếng thức ăn đã mất tất cả cấu trúc, bạn có thể nuốt.
– Tuyệt đối không được nuốt chửng thức ăn.
– Uống nước trước hoặc sau khi ăn 30 phút nhưng không uống cùng với bữa ăn của bạn. Hãy để hệ nước bọt làm việc hết công suất.
– Không uống cafe ngay sau bữa ăn, cafe có thể gây ra chứng ợ nóng do tính axit mạnh của nó.
– Tránh ăn trái cây và đồ ngọt đã qua chế biến ngay sau bữa ăn. Điều này có thể gây đầy hơi và chướng bụng.
– Cuối cùng là tránh tập thể dục gắng sức sau bữa ăn. Quá trình tiêu hóa đòi hỏi năng lượng và việc tập luyện nặng ngay sau ăn sẽ làm cho quá trình tiêu hóa kém hiệu quả hơn.
Các bước cơ bản để nuốt đúng
“Nuốt là phản xạ tự nhiên, ai mà chẳng biết nuốt”. Nhận định này là không đúng, tỷ lệ nuốt sai trong dân số rất cao và nó gây bệnh lý, chứ không phải vô hại như chúng ta vẫn nghĩ. Thói quen nuốt sai đặc biệt hay gặp ở bệnh nhân bị tật đẩy lưỡi.
Hãy luôn nhớ – khi nuốt lưỡi không được đẩy vào răng, mà phải áp sát vòm họng, các bước bao gồm:
1 – Cắn chặt các răng hàm khi tiếp xúc với nhau
2 – Đặt đầu lưỡi sát vòm miệng hoặc viền nướu phía sau răng cửa hàm trên
3 – Ép lưỡi thẳng lên vòm miệng, trượt lưỡi ra sau bằng động tác mút
4 – Một lần nữa, cắn chặt răng, khép môi, lưỡi phẳng áp vào vòm miệng, mút mạnh và nuốt
Lưu ý:
– Dùng gương quan sát các chuyển động trên khuôn mặt khi tập. Các cơ xung quanh miệng phải được thả lỏng hoàn toàn khi nuốt.
– Luyện tập với các miếng thức ăn nhỏ, nuốt chất lỏng nhỏ. Khép chặt môi, sử dụng thẻ hoặc giấy sáp đặt giữa 2 môi như một lời nhắc nhở cho môi khép lại.
– Lặp lại các bước cơ bản ở trên nhiều lần 1 ngày và sử dụng bài tập sau đây để tìm hiểu nuốt chính xác:
+ Giữ cho các răng hàm cắn chặt nhau khi nuốt bất kỳ loại thức ăn nào.
+ Liếm vòm miệng hoặc viền nướu phía sau răng cửa hàm trên nhiều lần mỗi ngày.
+ Đặt đầu lưỡi lên vòm miệng hoặc viền nướu phía sau răng cửa trên và giữ đầu lưỡi ở đó khi học, chơi, xem tivi, và ở trường.
+ Bài tập với bút chì – đặt bút chì ngay bên ngoài răng cửa trên và giữ trên môi trong nửa giờ mỗi ngày.
Hy vọng bài viết trên sẽ phần nào giúp các bạn biết cách nhai, nuốt thức ăn sao cho đúng. Đặc biệt với những phụ huynh có trẻ nhỏ quan tâm vấn đề này.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh