Ghép xương – nâng xoang là như thế nào?

Đây là 2 kĩ thuật phổ biến được chỉ định nhằm đảm bảo đủ thể tích xương hàm giúp implant tồn tại vững ổn lâu dài. Bạn cần được khảo sát kĩ tình trạng xương hàm để đánh giá xem có cần thực hiện thêm các kĩ thuật này hay không? Không phải trường hợp nào cũng cần thực hiện ghép xương, nâng xoang; chỉ trong một số tình huống đặc biệt mới cần.

1. ĐIỀU KIỆN ĐỂ IMPLANT TỒN TẠI ỔN ĐỊNH VÀ LÂU DÀI

+ Chiều sâu của implant vùi trong xương hàm phải > 6 mm. Các hãng cung cấp sản xuất loại implant ngắn nhất thường là 6 mm. Nếu chiều cao xương hàm không đủ, bác sĩ sẽ phải có biện pháp để làm tăng chiều cao xương hoặc cấy 2 – 3 implant ngắn, có thể dưới 6 mm và liên kết chúng lại với nhau.

+ Implant cấy cách bản xương mặt ngoài, mặt trong lớn hơn 1,5 mm.

+ Implant cách chân răng bên cạnh lớn hơn 1,5 mm.

+ Cấy thẳng theo hướng phục hình, đúng theo 3 chiều không gian

Như vậy, các bạn cũng mặc nhiên hiểu rằng, muốn cấy được implant thì phải đủ xương. Nếu vì bất cứ lý do gì mà xương hàm bạn không đủ thể tích thì nha sĩ phải ghép xương.

2. TẠI SAO XƯƠNG HÀM LẠI BỊ TIÊU

Có 1 câu kinh điển trong ngành implant đó là “còn răng thì còn xương và mất răng thì cũng mất xương”. Tức là khi mất răng, sóng hàm sẽ bị tiêu dần theo thời gian. Sống hàm bị tiêu sẽ hẹp theo chiều ngoài trong và vát nhọn ở đỉnh. Những nghiên cứu đã chứng minh rằng, sau khi nhổ răng xương sẽ tiêu đi khoảng 25% trong năm đầu tiên, và sẽ tiếp tục quá trình tiêu ở các năm tiếp theo, sau khoảng 3 – 4 năm thì xương hàm tiêu đi 40 – 60%.

Khi đó để có thể đặt implant nha sĩ sẽ sử dụng những kỹ thuật nhằm tăng thể tích sóng hàm như: chẻ xương, nong xương, ghép xương, nâng xoang …

+ Những trường hợp bị chấn thương do va đập mạnh, làm vỡ bản xương mặt ngoài cũng làm mất xương hàm.

+ Trường hợp răng có bệnh lý như u, nang xương hàm, viêm quanh răng làm cho xương bị mất đi rất nhiều trước khi phải nhổ bỏ.

+ Trường hợp thiếu răng bẩm sinh, sống hàm hẹp bẩm sinh trước đó

Qua những nguyên nhân vừa kể trên thì rõ ràng việc trồng implant sớm nhất có thể sau khi nhổ răng là rất quan trọng. Việc cấy implant sớm sẽ ngăn chặn được hiện tượng tiêu xương và đảm bảo sống hàm đủ chắc khỏe cho việc thực hiện chức năng ăn nhai suốt đời.

Tiêu xương nhiều khi mất răng lâu ngày

3. GHÉP XƯƠNG ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Hiện nay, có nhiều phương pháp và vật liệu khác nhau để lấy lại xương hàm đã bị tiêu đi: phổ biến thì sẽ có 3 phương thức sau:

+ Nong xương – Chẻ xương

+ Ghép xương hạt nhân tạo GBR

+ Ghép xương tự thân (xương lấy trên cơ thể bạn)

Nong xương – chẻ xương

Nong, chẻ xương áp dụng cho những trường hợp xương đủ chiều cao nhưng lại bị hẹp chiều rộng, Nếu khoan đặt implant sẽ không đảm bảo chiều dày bản xương ngoài trong và lộ ren của implant. Khi thực hiện kĩ thuật này thì đầu tiên, nha sĩ cắt đi phần đỉnh sống hàm nhọn, để lại phần xương có chiều rộng khoảng 4 – 5 mm. Tiếp đến, nha sĩ sử dụng đầu siêu âm chẻ một đường dài và dần nong rộng vùng xương đặt implant.

Bột xương nhân tạo sau đó sẽ được nhồi vào vùng nong chẻ, đặt màng collagen tạo điều kiện tốt nhất cho lành thương và hình thành xương mới.

Ghép xương nhân tạo

Thành phần chủ yếu của bột xương nhân tạo là Hydroxyapatite hoặc Beta-tricalcium phosphate

Trung bình mức độ tạo xương khi ghép xương bột là 1 mm cho mỗi tháng, vì vậy sau ghép xương sẽ cần khoảng 6 tháng để tạo 6 mm xương và chờ thêm 3 tháng nữa cho xương trưởng thành mới làm phục hình lên trên.

Nha sĩ có thể tiến hành ghép xương trước khi đặt implant hoặc đồng thời với đặt implant trong trường hợp khuyết hổng xương nhỏ. Gần như tất cả các ca cấy implant răng cửa đều phải ghép thêm xương nhằm tăng tính thẩm mỹ cho răng giả sau này.

Xương nhân tạo sẽ được đặt trực tiếp vào vùng xương hàm bị tiêu và phủ lên trên bằng 1 loại màng đặc biệt nhằm cố định lớp xương bên dưới, tăng tính ổn định của vùng xương ghép.

Nguyên tắc của quá trình tạo xương đó là lớp xương nhân tạo hình thành một khung định hình tạo điều kiện cho các tế bào tạo xương đi vào sinh xương mới, phần xương nhân tạo này sẽ dần tiêu đi. Tùy vào hàm lượng Hydroxyapatite mà các loại xương khác nhau sẽ có tốc độ thay thế khác nhau.

Ghép xương tự thân

Khi vùng mất xương quá lớn, nha sĩ sẽ quyết định ghép xương tự thân, xương tự thân lấy từ chính trên cơ thể bệnh nhân, ở những vùng an toàn như góc hàm dưới, vùng cằm…

Ghép xương tự thân có chi phí cao hơn ghép xương bột, tuy nhiên tỷ lệ thành công cao đặc biệt là khi vùng mất xương lớn. Ghép xương tự thân sẽ được thực hiện trong bệnh viện.

4. QUÁ TRÌNH GHÉP XƯƠNG CÓ ĐAU KHÔNG, CHI PHÍ BAO NHIÊU?

Trong quá trình thực hiện thủ thuật bạn sẽ không hề có cảm giác đau do có thuốc tê tại chỗ. Tuy nhiên khi hết thuốc tê bạn có thể bị sưng, đau. Bạn sẽ được sử dụng thêm một số loại thuốc giảm đau theo chỉ định của nha sĩ để kiểm soát cơn đau. Việc sử dụng kháng sinh cũng là rất cần thiết.

Quá trình ghép xương thường diễn ra trong khoảng 10 – 15 phút cho một đơn vị răng implant.

Chi phí cho việc ghép xương thì tùy vào loại thủ thuật bạn được chỉ định (tức là nong chẻ hay ghép xương nhân tạo, xương tự thân…), số lượng xương cần ghép và chính sách giá từng phòng khám. Thường chi phí dao động 10 – 15 triệu cho một đơn vị răng cần ghép xương.

5. QUY TRÌNH CẤY IMPLANT CÓ GHÉP XƯƠNG THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Đầu tiên, bạn sẽ được bác sỹ thăm khám tình trạng toàn thân, tình trạng tại chỗ. Chỉ đinh chụp phim CT Conebeam để xem cấu trúc xương theo 3 chiều không gian. Nếu bị thiếu xương mà không thể khắc phục bằng những cách đơn giản như lựa chọn implant ngắn, nhỏ thì nha sĩ sẽ chỉ định các biện pháp nhằm tăng thể tích xương như chúng tôi kể trên.

Bước vào điều trị, bạn được gây tê tại chỗ. Nha sĩ sẽ tiêm tê trực tiếp vào lợi gần vùng răng mất. Dưới tác dụng của thuốc tê, bạn sẽ không hề có cảm giác đau hay khó chịu khi tiến hành. Sau khi thực hiện xong bác sỹ khâu đóng, cho bạn chườm đá phía ngoài vết thương và đặt lịch hẹn tái khám.

Thời gian hoàn thiện cho một ca implant có ghép xương thường sẽ lâu hơn là implant không có ghép xương. Thời gian khoảng 4 – 6 tháng hoặc lâu hơn.

6. GHÉP XƯƠNG ĐỂ CẤY IMPLANT CÓ BIẾN CHỨNG GÌ KHÔNG?

Khi nghe nói đến ghép xương thì hầu như bạn nào cũng sợ, nghĩ về việc cấy ghép các bộ phận trên cơ thể thì luôn rất khủng khiếp. Nhưng thực tế quá trình ghép xương khá an toàn nếu được thực hiện đúng:

– Biến chứng trầm trọng nhất là nhiễm trùng vùng ghép khiến xương và implant bị đào thải

– Chảy máu kéo dài, tê bì vùng lấy xương tự thân

– Ghép xương nhưng không đủ dẫn đến sau khi ghép vẫn thiếu xương cho việc cấy implant nên phải ghép thêm các lần tiếp theo.

– Những biến chứng tạm thời như sưng, đau, rỉ máu thì không nguy hiểm và sẽ biến mất sau 1 vài ngày.

Việc ghép xương là cần thiết cho tuổi thọ cũng như độ vững ổn implant nếu xương bạn bị khuyết hổng, vì vậy bạn không nên sợ hãi.

7. TUỔI CAO CÓ THỰC HIỆN ĐƯỢC GHÉP XƯƠNG KHÔNG?

Không có độ tuổi giới hạn cho việc ghép xương, tuy nhiên tuổi cao thì sự lành thương sẽ chậm hơn. Một số bệnh toàn thân chống chỉ định tương đối cho ghép xương như là:

+ Đang xạ trị tại vùng ghép

+ Các bệnh tiểu đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch chưa được điều trị ổn định

+ Nghiện chất kích thích như bia rượu, thuốc lá nặng…

NÂNG XOANG LÀ GÌ?

Nâng xoang kinh điển bản chất cũng là quá trình ghép xương chuẩn bị cho việc đặt implant, tuy nhiên nó cũng có nhiều điểm khác biệt. Và với những hiểu biết sâu rộng về lành thương mô thì hiện nay nhiều kỹ thuật nâng xoang mới mà không cần ghép xương vẫn có thể tăng được thể tích xương.

Tình huống nâng xoang chỉ gặp khi cấy ghép cho vùng răng hàm trên, đặc biệt là các răng số 4,5,6,7. Vùng khác thì không cần vì vùng hàm trên gần với cấu trúc giải phẫu là xoang hàm, tuổi càng cao thì xoang hàm càng xuống thấp. Khi xoang hàm mở rộng và xuống thấp thì phần xương còn lại sẽ không đủ để đặt implant vững ổn. Cộng thêm việc khi răng nhổ lâu ngày hoặc bị nhiễm trùng trước đó, xương hàm cũng tiêu đi. Việc nâng đáy xoang hàm lên nhằm tăng chiều cao xương lên phía trên. Nếu không nâng xoang mà cứ thể cấy implant có thể gây thủng xoang hàm, thậm chí là nhiễm trùng xoang.

Bác sĩ có thể chỉ cho bạn xem trên phim x-quang 3D, khi khoảng cách từ đỉnh sống hàm đến đáy xoang nhỏ hơn 8mm, thì cần phải nâng xoang.

Có 2 cách nâng xoang đó là nâng xoang kín và nâng xoang hở. Nâng xoang hở thì có chi phí đắt đỏ hơn, thực hiện phức tạp hơn.

Nâng xoang để đảm bảo đủ chiều cao xương

1. NÂNG XOANG HỞ LÀ GÌ?

Nâng xoang hở còn gọi là kỹ thuật nâng xoang qua cửa sổ mặt bên. Thường chỉ định trong những tình huống thiếu xương nhiều, chiều cao xương còn lại dưới 3mm, đáy xoang không thuận lợi như gồ ghề, xơ dính, có vách ngăn, dịch trong xoang, viêm xoang…

Kỹ thuật thực hiện:

Để thực hiện nâng xoang hở, bác sĩ phẫu thuật sẽ lật vạt lợi, bóc rộng vạt lợi và tiếp cận thành trước xoang hàm, sau đó dùng bộ phẫu thuật nâng xoang nha khoa chuyên dụng đục một lỗ đường kính khoảng 10 mm, rồi tiến hành bóc màng xoang qua cửa sổ này và nâng đáy xoang lên. Sau đó cho xương nhân tạo vào vùng đáy xoang và khâu kín lại.

Kỹ thuật nâng xoang hở có ưu điểm là dễ thao tác và dễ kiểm soát đáy xoang, tuy nhiên nó có nhược điểm là mức độ xâm lấn rộng nên thường sưng đau nhiều sau khi thực hiện.

Nâng xoang hở qua cửa sổ mặt bên

2. NÂNG XOANG KÍN LÀ GÌ?

Nâng xoang kín thì đơn giản hơn, còn được gọi là kỹ thuật nâng xoang qua vị trí đặt implant. Thường áp dụng cho các trường hợp chiều cao xương còn lại từ 4 – 8 mm. Đáy xoang hàm thuận lợi, không có những yếu có nguy cơ như viêm xoang, vách xoang hay dính xoang…

Kỹ thuật thực hiện:

Để thực hiện nâng xoang kín, sau khi khoan lỗ để đặt chân răng implant, bác sĩ sẽ sử dụng bộ dụng cụ nâng xoang nha khoa chuyên dụng bóc tách màng xoang ra khỏi đáy xoang, sau đó cho xương nhân tạo qua lỗ này và đặt chân răng implant ngay trong một lần hẹn. Khi nâng đáy xoang nên, bác sĩ cũng có thể không cần ghép xương nếu mức độ nâng ít.

Kỹ thuật nâng xoang kín có ưu điểm là ít xâm lấn nên hạn chế được sưng đau, tuy nhiên nó là một kỹ thuật “mù” nên đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo của bác sĩ phẫu thuật rất lớn. Nâng xoang kín nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn tới thủng đáy xoang hàm.

Có những vùng ranh giới chỉ định riêng giữa nâng kín và nâng hở, bác sĩ thì sẽ luôn cố gắng đưa đến cho các bạn những giải pháp nhẹ nhàng và tiết kiệm nhất. Càng ngày thì chỉ định của kỹ thuật nâng xoang kín càng mở rộng hơn.

Như vậy phương pháp nâng hở phải mở xương 1 vị trí và đặt implant 1 vị trí khác, tạo ra 2 vết thương phẫu thuật, còn phương pháp nâng kín thì kết hợp lỗ khoan đặt implant để nâng màng xoang luôn.

Nâng xoang kín qua lỗ đặt Implant

3. NẾU KHÔNG NÂNG XOANG MÀ CẤY IMPLANT THÌ SAO?

Trong trường hợp không đủ xương, nếu cứ như vậy đặt implant vào có thể làm rách màng xoang, thủng xoang hàm dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và viêm xoang mãn tính rất nguy hiểm.

Ngoài ra implant sẽ không ổn định, dễ bị rụng, hoặc tệ hơn, implant bị lọt vào lòng xoang, khi đó phẫu thuật lấy implant sẽ xâm lấn mà không đem lại hiệu quả điều trị như mong muốn ban đầu.

Cũng giống như thủ thuật ghép xương, nâng xoang là bước cần thiết có lợi cho sự an toàn và tồn tại lâu dài của implant.

4. NÂNG XOANG CÓ ĐAU KHÔNG? CHI PHÍ BAO NHIÊU?

Nâng xoang kín thì thường không đau, nâng xoang hở thì trong lúc thực hiện thủ thuật cũng không hề có cảm giác do có thuốc tê tiêm tại vùng phẫu thuật, sau hết thuốc tê bệnh nhân có thể đau, sưng, chảy máu. Tuy nhiên đó đều là những tình trạng tạm thời, sẽ nhanh chóng biến mất.

Chi phí nâng xoang kín khoảng 5 – 10 triệu, nếu phải ghép xương nhiều thì chi phí sẽ nhỉnh hơn

Chi phí cho nâng xoang hở thì cao hơn, tùy vào lượng xương phải ghép, số màng collagen cần đặt mà chi phí có thể từ 10 – 30 triệu.

5. NÂNG XOANG CÓ BIẾN CHỨNG GÌ KHÔNG?

Nâng xoang cũng như bất cứ điều trị y tế nào khác, đều có những lợi ích và biến chứng đi kèm, các biến chứng không mong muốn khi nâng xoang như:

+ Bị thủng màng xoang

+ Chảy máu do làm tổn thương nhánh động mạch dưới ổ mắt, động mạch xương ổ răng trên sau.

+ Xoang bị viêm nhiễm kéo dài sau khi nâng

+ Implant không tích hợp, trôi implant vào trong xoang…

Tuy nhiên nâng xoang là thủ thuật khá an toàn, các biến chứng nếu có thì cũng sẽ rất nhỏ. Bạn cần cung cấp cho bác sỹ tiền sử bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng nếu có trước đó để bác sỹ lên kế hoạch điều trị toàn diện và chuẩn xác nhất.

Bạn cần gọi điện cho bác sỹ khi có một trong các biểu hiện sau đây:

– Sưng đau kéo dài và không có dấu hiệu giảm xuống sau 2-3 ngày

– Chảy máu vẫn tiếp tục sau 1 – 2 ngày, ra máu tươi, khi đặt gạc tạo lực ép thì không hình thành máu tụ ở miếng gạc.

– Khi bạn nghĩ rằng vật liệu ghép có thể bị di chuyển khi bạn hắt xì hơi mạnh.

– Bạn bị sốt kéo dài và không giảm

6. SAU KHI NÂNG XOANG CÓ THỂ TRỒNG IMPLANT NGAY KHÔNG?

Tùy theo số lượng xương còn lại, chất lượng xương mà nha sĩ sẽ quyết định có đặt implant ngay hay phải chờ 6 – 9 tháng sau, cho đến khi đạt được sự trưởng thành xương hoàn toàn.

Thường thì nếu xương còn lại 5 mm trở lên nha sĩ có thể đặt implant cùng với quá trình nâng xoang.

Nếu lượng xương sẵn có của bạn ít hơn ví dụ 2 mm, 3 mm thì cần phải đợi lành thương mới thực hiện.

7. CHĂM SÓC SAU KHI NÂNG XOANG

– Không dùng ống hút để uống nước

– Không sử dụng thuốc lá

– Không khạc nhổ

– Hạn chế hắt hơi tới mức thấp nhất

– Không chải răng khu vực mới nâng xoang trong vòng 3 ngày đầu

– Hạn chế di chuyển bằng đường hàng không

– Hạn chế các công việc cần hoạt động mạnh ở mũi (bê vác, thổi,….)

Trên đây là thông tin về kỹ thuật ghép xương, nâng xoang trong cấy ghép implant. Nếu bạn đang gặp tình trạng mất răng và cần thực hiện thêm kỹ thuật này khi cấy ghép implant thì hãy tìm tới các cơ sở nha khoa uy tín với bác sĩ giỏi chuyên môn cùng trang thiết bị hiện đại để thực hiện bạn nhé. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background