Đang mang thai bị sâu răng nên xử lý như thế nào an toàn nhất?
Sâu răng là hiện tượng mô răng mất tổ chức gây ê buốt khi ăn nhai đặc biệt là nước lạnh, đồ có vị chua,… chính vì thế mà việc xử lý sâu răng ngày nay đã trở nên thường quy trong nha khoa. Tuy nhiên, công việc thường quy rất đỗi bình thường ấy lại gây không ít khó khăn, trở ngại cho bác sĩ trên đối tượng bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai. Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề đang mang thai bị sâu răng thì nên làm thế nào trong bài viết dưới đây.
Bài viết được cung cấp bởi bác sĩ Hoàng Minh Huy – trực thuộc khoa phục hình và phẫu thuật trong miệng tại nha khoa Thùy Anh.
Đang mang thai bị sâu răng nguy hiểm như thế nào?
Phụ nữ khi mang thai sẽ tăng nồng độ hormone như progesterone và estrogen. Ngoài ra, thói quen ăn uống cũng thay đổi thất thường hoặc ăn nhiều bữa nhỏ (khiến nguy cơ mảng bám – viêm lợi tăng cao). Thời điểm mang bầu cơ thể trở nên nặng nề, di chuyển khó khăn nên việc vệ sinh răng miệng, dùng các dụng cụ như bàn chải, chỉ tơ khó khăn và đôi khi còn gây cảm giác buồn nôn… chính những điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe răng miệng như sâu răng.
Nguy hiểm nhất là bạn có thể truyền vi khuẩn gây sâu răng cho em bé trong thai kỳ và sau sinh. Điều này có thể gây ra các vấn đề cho răng của bé sau này khi lớn lên.
Phụ nữ đang mang thai bị sâu răng thì bác sĩ nha khoa sẽ xử lý như thế nào?
Với trường hợp xuất hiện vết màu đen bất thường hay có cảm giác ê buốt, đau nhức thì hãy đi khám ngay. Khi đó, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng cụ thể từ đó đưa ra hướng giải quyết cho từng trường hợp.
Những lỗ sâu nhỏ có thể ê buốt nhẹ mỗi lần ăn đồ chua hoặc lạnh thì tình trạng này đang rất nhẹ. Bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch bề mặt lỗ sâu sau đó hàn bằng vật liệu có màu sắc và độ cứng tương đương răng thật. Hàn răng là rất nhẹ nhàng và cũng không cần phải sử dụng thuốc.
Với những trường hợp nặng hơn như mô răng bị vỡ lớn mất hình dạng, bị đau nhức kéo dài mà uống giảm đau nhiều ngày không đỡ thì sẽ cần thực hiện điều trị tủy.
Với tình trạng này thì việc chụp phim để đánh giá tình trạng răng và các thành phần quanh răng là thật sự cần thiết và nó như là một kiểm tra thường quy. Tuy nhiên, thao tác tưởng chừng như đơn giản ấy lại phải hạn chế với những phụ nữ mang bầu.
Do khi chụp phim, nguồn tia này phát ra sẽ gây hại đối với thai nhi đặc biệt là giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ khi mà thai nhi đang bắt đầu hình thành các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên chúng ta có thể chụp X-quang răng an toàn ở giai đoạn thai kỳ II và III. Khi đó chỉ cần mặc áo chì, che chắn phần bụng tốt là chụp an toàn, do liều tia với các loại X – quang nha khoa kỹ thuật số là rất ít. Mỗi lần chụp chỉ bằng lượng tia bạn hấp thụ khi đi dưới trời nắng khoảng 8 phút.
Ngoài ra, lỗ sâu sát tuỷ việc làm sạch sẽ rất ê buốt hay nặng hơn tình huống răng viêm tuỷ thì bác sĩ sẽ thực hiện hút tủy. Tuy nhiên cảm giác đau tuỷ lại rất kinh khủng nên cần thực hiện gây tê để giảm cảm giác đau nhức khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng giống như chụp phim X quang, thuốc tê nên hạn chế tối thiểu khi sử dụng cho phụ nữ đang mang thai đặc biệt trong 3 tháng đầu tiên, vì ảnh hưởng đến hệ tim mạch của bé.
Như vậy, đối với sâu răng ăn vào tủy bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ chụp X quang trong 3 tháng đầu thai kỳ, hạn chế gây tê nhất có thể mà thay vào đó sẽ dùng các loại thuốc quay trong ống tuỷ và trang thiết bị khác hỗ trợ giải quyết tình trạng khó chịu trước mắt của bệnh nhân.
Khi cơn đau đã được kiểm soát, bác sĩ sẽ tiến hành quay thuốc chuyên dụng vào trong lòng ống tuỷ (như cacil, chlorhexidine gel 2%,), chất hàn tạm và kiểm tra định kỳ hàng tháng cho đến thai kỳ thứ II, III hoặc sinh xong rồi mới tiến hành chụp phim, kiểm tra và hàn tủy kết thúc quá trình điều trị. Quá trình điều trị này được coi như một điều trị trì hoãn để đảm bảo tốt nhất cho mẹ và đặc biệt là thai nhi. Với tình huống đã kiểm soát hoàn toàn nhiễm trùng thì bác sĩ có thể hàn kín mà vẫn đảm bảo chiếc răng ổn định lâu dài.
Với những trường hợp cấp tính mà bệnh nhân đau nhức dữ dội, bác sĩ vẫn có thể gây tê tại chỗ 1 lượng vừa đủ giúp giảm cảm giác khó chịu và dùng thêm các thuốc hỗ trợ như giảm đau, kháng sinh, kháng viêm mà không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi. Vì lúc này không điều trị thì còn nguy hiểm hơn, cơn đau dữ dội có thể dọa đình chỉ thai, nhiễm trùng lan tỏa sẽ khiến tình trạng toàn thân trầm trọng.
Lưu ý: Với phụ nữ mang thai thì việc làm phục hình như chụp bọc, dán sứ cũng không nên chỉ định. Bởi cơ thể đang có rất nhiều thay đổi do đó chúng ta chỉ nên ngăn chặn cho bệnh lý ngừng tiến triển và hạn chế can thiệp khác. Thời điểm mang thai răng dễ bị xê dịch, khớp cắn không ổn định nếu tiến hành các điều trị thẩm mỹ thì sau sinh có thể phải làm lại.
Lời khuyên phòng tránh sâu răng từ bác sĩ nha khoa
Thông tin trên là hướng xử lý của bác sĩ nha khoa đối với những bạn đang mang thai mà bị sâu răng. Tuy nhiên, bác sĩ nha khoa không hề mong muốn điều đó, nên thay vì chữa bệnh thì chúng ta hãy phòng bệnh, dự phòng là cách tốt nhất. Dưới đây là 1 vài lời khuyên mà bác sĩ Huy mong muốn tất cả mọi người biết được và thực hiện nó hàng ngày để luôn có 1 hàm răng khỏe mạnh:
Thứ nhất: Hãy đến nha sĩ để khám răng định kỳ 6 tháng một lần, ngay cả khi mang thai. Khi kiểm tra sức khỏe, hãy nói với nha sĩ rằng bạn đang mang thai.
Thứ 2: Đánh răng bằng kem đánh răng có fluor 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa. Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên có thể loại bỏ mảng bám, giúp giữ cho răng và lợi của bạn khỏe mạnh.
Thứ 3: Nếu bạn đánh răng hay bị nôn mửa, hãy sử dụng nước ấm để đánh răng và chú ý không nên đưa bàn chải quá sâu vào trong. Ngoài ra nên sử dụng thêm những thiết bị hỗ trợ như máy tăm nước và các dung dịch sát khuẩn để súc miệng
Thứ 4: Ăn thực phẩm lành mạnh và hạn chế đồ ngọt. Thực phẩm lành mạnh bao gồm trái cây và rau, thịt nạc, bánh mì và các sản phẩm từ sữa ít béo. Hạn chế đồ ngọt, thức ăn có đường và uống nhiều nước thay vì đồ uống có đường. Ăn thực phẩm lành mạnh giúp cung cấp cho bạn và thai nhi đang phát triển những chất dinh dưỡng quan trọng. Răng của trẻ bắt đầu phát triển từ 3 đến 6 tháng của thai kỳ. Các chất dinh dưỡng như canxi, protein, phốt pho và vitamin A, C và D giúp răng của trẻ phát triển khỏe mạnh.
Mang thai là thời gian quan trọng không chỉ với 1 người mà còn với nhiều người trong gia đình. Bảo vệ mẹ và bé là điều cần thiết. Hiện nay nền y khoa phát triển, trước khi có quyết định mang thai thường các mẹ vẫn đi khám tổng thể để có sự chuẩn bị tốt nhất, khi đó chúng ta sẽ giải quyết sớm được nhiều bệnh tiềm ẩn đặc biệt là sâu răng hiệu quả.
Hi vọng thông tin bài viết hữu ích với bạn đọc, mọi thắc mắc vui lòng để lại thông tin hoặc liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ dưới đây để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ bác sĩ chuyên khoa.
>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh