Bệnh răng miệng trong thai kỳ và các phương pháp điều trị

Kiến thức về chăm sóc sức khỏe khi mang bầu là một điều quan trọng mà mẹ bầu phải học hỏi trau dồi mỗi ngày kể từ khi con bắt đầu hình thành trong bụng. Như chúng ta đã biết, phụ nữ trong quá trình mang thai trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực, những thay đổi sinh lý – thể chất diễn ra từng ngày khi đứa con trong bụng lớn lên. Thêm vào đó, hệ miễn dịch suy yếu tạo điều kiện cho các bệnh lý răng miệng gia tăng. 

Câu hỏi bác sĩ Răng Hàm Mặt thường gặp khi tiếp nhận những khách hàng nữ đang mang thai: Tôi có thể điều trị nha khoa không? Việc điều trị nha khoa ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng tôi hay không? Tôi có thể uống thuốc khi mang thai không? Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Phương Thúy (nha khoa Thùy Anh) sẽ thông tin tới bạn về các bệnh lý răng miệng trong thai kỳ và phương án điều trị cụ thể. 

Những thay đổi sinh lý của cơ thể phụ nữ mang thai

Khi mang thai, lượng hormone estrogen tăng gấp 10 lần và progesterone tăng gấp 30 lần. Do sự gia tăng bài tiết hooc môn và sự tăng trưởng của thai nhi gây ra những thay đổi trầm trọng về sinh lí cũng như các hệ thống của cơ thể phụ nữ mang thai. 

Dễ thấy nhất đối với cơ thể phụ nữ đó là triệu chứng ốm nghén: buồn nôn và ói mửa, ợ chua. Việc gia tăng acid trong khoang miệng, acid dịch vị vùng thực quản khiến răng bạn nhạy cảm hơn bao giờ hết. Thay đổi chung của phụ nữ bao gồm thay đổi hành vi; thay đổi nội tiết hệ miễn dịch; tăng nhu cầu dinh dưỡng.

Những bệnh lý răng miệng trong thai kỳ

1. Sâu răng

Ở thời kỳ mang thai có sự thay đổi nước bọt không ổn định: giảm khoáng chất và khả năng đệm, giảm lưu lượng nước bọt ở tam cá nguyệt thứ 1 và 3 nhưng lại tăng lưu lượng ở tam cá nguyệt 2, đặc biệt tăng tính acid trong nước bọt. 

Thêm vào đó người phụ nữ dễ ốm nghén với các triệu chứng nôn mửa (khiến giảm độ pH nước bọt), khó kiểm soát vệ sinh răng miệng. Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu làm tăng vi khuẩn gây sâu răng, đặc biệt là việc tiêu thụ nhiều thực phẩm carbohydrate và ăn nhiều bữa bổ sung. Tất cả những yếu tố trên là nguy cơ gây sâu răng.

2. Mòn răng

Mất bề mặt khoáng của răng do tiếp xúc với hóa chất. Việc nôn mửa (ốm nghén) cộng với trào ngược dạ dày gia tăng acid trong khoang miệng gây mòn răng. Để phòng ngừa sự ăn mòn này, chúng ta cần lưu ý không đánh răng tức thì sau khi nôn (đánh răng tối thiểu sau 1h). Ngoài ra mẹ bầu có thể súc miệng với nước và baking soda.

3. Viêm nướu thai nghén

Là bệnh phổ biến nhất các bà mẹ mang thai mắc phải (tỉ lệ mắc từ 50 – 100%). Thường xảy ra từ tháng thứ 2 và tiến triển nặng nhất vào tháng thứ 8 thai kỳ. Với biểu hiện nướu viền sưng đỏ, dễ chảy máu (hôi miệng kèm theo). 

Viêm lợi xảy ra do sự gia tăng hormone (progesterone) thai kỳ làm thay đổi mạch máu của mô nướu, tạo môi trường lý tưởng cho sự phát triển vi khuẩn. Đối với tình trạng viêm lợi này, việc điều trị can thiệp khá đơn giản bao gồm lấy cao răng và vệ sinh răng miệng tốt.

4. U nướu thai nghén

Chiếm tỉ lệ nhỏ, ít xảy ra hơn so với viêm nướu, phổ biến nhất ở vùng răng trước hàm trên. Có biểu hiện với tình trạng khối u phù nề, phì đại , đỏ tươi, dễ chảy máu khi chạm vào. 

Nguyên nhân là mô hạt tăng sinh do phản ứng mạch máu với sự gia tăng của progesterone. Chúng ta có thể phòng ngừa bằng cách giữ vệ sinh răng miệng khi mang thai. 

Phương pháp điều trị: Lấy cao răng, xử lý bề mặt gốc răng, phẫu thuật cắt bỏ nếu khối  u tăng kích thước, chảy máu nhiều hoặc cản trở ăn nhai. Nếu chọn phương pháp bảo tồn thì khối u có thể biến mất sau khi sinh. 

5. Viêm nha chu

Tình trạng này chiếm tỉ lệ từ 5 – 20%. Viêm nướu không điều trị kịp thời sẽ tiến triển thành viêm nha chu và dần sẽ gây tụt nướu, lung lay, mất răng. Nguyên nhân do chất trung gian gây viêm như cytokine và prostaglandin tạo ra trong mô nha chu gây ra các cơn co thắt tử cung và dẫn đến các biến chứng thai kỳ (sinh non, sinh nhẹ cân, tiền sản giật). 

Các bạn không nên xem nhẹ bệnh viêm nha chu vì đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các biến chứng trong thai kỳ gây nguy hiểm tới mẹ và bé, thậm chí sinh non nhẹ cân.

Các loại hình điều trị nha khoa trong  thai kỳ

Tùy vào mức độ phức tạp và nghiêm trọng của tình trạng bệnh lý răng miệng ta chia ra 4 mức độ điều trị  khác nhau:

    • Điều trị cấp cứu: Là điều trị khẩn cấp, xử trí tình trạng chấn thương hoặc bệnh lý cấp tính liên quan đến tính mạng hoặc sức khỏe răng miệng lâu dài của bệnh nhân. Ví dụ xuất huyết vùng miệng; viêm tấy lan tỏa sàn miệng cấp; những chấn thương hàm mặt; chấn thương răng miệng do sang chấn răng rơi khỏi ổ xương ổ răng. 
    • Điều trị khẩn cấp: Là điều trị cho bệnh nhân đang có các triệu chứng nghiêm trọng. Đôi khi sự chậm trễ không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả điều trị. Đối với trường hợp viêm tủy răng không hồi phục, nứt/gãy răng, abcess răng (abcess quanh chóp, abcess nha chu).
Hình ảnh áp xe quanh răng ở phụ nữ có thai
    • Điều trị cần thiết: Là điều trị có thể cải thiện sức khỏe của sản phụ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Viêm tủy không hồi phục có triệu chứng: Đau nhẹ do gãy răng, răng nha chu có thể bị rơi ra trong khi gây mê đặt nội khí quản lúc sinh; sâu răng (nghi ngờ/đang tiến triển); viêm nha chu, viêm nướu.
Điều trị viêm lợi cho phụ nữ có thai, ảnh trước và sau điều trị
    • Điều trị lựa chọn: Là điều trị không ảnh hưởng sức khỏe/thai nhi (điều trị thẩm mỹ). Cân nhắc hoãn lại cho đến khi sinh. Các bệnh lý răng miệng khó điều trị khi mang thai và có thể tự khỏi sau khi mang thai (u nướu thai nghén); tẩy trắng răng; phẫu thuật thẩm mỹ; nứt/bể nhỏ miếng trám Co, Amalgam nhưng sâu tái phát; sang thương sâu răng mới chớm, veneer( không do sâu răng).

Khi nào cần can thiệp điều trị răng miệng cho phụ nữ mang thai?

Để trả lời cho câu hỏi khi nào nên can thiệp điều trị răng miệng cho phụ nữ mang thai, ta cùng đến với phân loại thời điểm điều trị nha khoa.

    • Tam cá nguyệt thứ nhất (1-12 tuần), điều đáng chú ý ở giai đoạn này là tỉ lệ sảy thai tự nhiên(85%); giai đoạn quan trọng nhất trong thai kỳ vì các cơ quan đang hình thành và biệt hoá; phụ nữ hay nôn ói nên khó điều trị nha khoa, loại hình điều trị có thể cấp cứu/ khẩn cấp, tránh các điều trị tuỳ chọn. Không nên kê đơn thuốc (gây dị dạng thai nhi). 
    • Tam cá nguyệt thứ 2 (13-24 tuần): Lúc này bào thai trưởng thành và phát triển; cơ quan đã phát triển hoàn chỉnh, thai nhi không quá lớn, sức khoẻ của sản phụ cũng ổn định, là giai đoạn an toàn điều trị nha khoa. Có thể thực hiện: cạo vôi, trám răng, nhổ răng, nội nha, phục hình
    • Tam cá nguyệt thứ 3 (25-40 tuần): Bào thai tiếp tục trưởng thành, sản phụ nặng nề, mệt mỏi không thể ngồi lâu; mối quan tâm (nguy cơ sinh non, sự thoải mái và an toàn cho sản phụ); tránh các điều trị tuỳ chọn; đảm bảo sự thoải mái cho bệnh nhân: cuộc hẹn ngắn (30 phút), tư thế nghiêng sang trái.

Qua bài viết trên, bác sĩ Phương Thúy đã cung cấp các kiến cơ bản về bệnh lý răng miệng, hình thức và thời điểm điều trị nha khoa trong thai kỳ. Hi vọng các bạn đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh nở đã có cái nhìn tổng quát nhất về vấn đề chăm sóc răng miệng thai kỳ để bảo vệ cơ thể mẹ và bé toàn diện cho một hành trình mang thai an toàn. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background