Thói quen xấu ở trẻ khiến bộ răng bị ảnh hưởng bố mẹ cần đặc biệt lưu tâm

Thói quen xấu ở miệng thường do sự mất cân bằng giữa trẻ và môi trường sống, gây ra ảnh hưởng xấu tới phát triển của đầu mặt, dẫn tới mất cân bằng áp lực tác động lên phần xương ổ răng chưa trưởng thành và thay đổi vị trí của răng – khớp cắn. Những thói quen xấu có thể được hình thành do sự bắt chước hoặc có thể mang lại một cảm giác an toàn và thoải mái. 

Việc phát hiện thói quen xấu ở trẻ em từ 3 đến 6 tuổi là cực kỳ quan trọng vì rất phổ biến ở độ tuổi này. Hơn nữa, thói quen xấu cần loại bỏ trước khi mọc răng vĩnh viễn bởi vì nó có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng sai đến sự phát triển răng và xương hàm, lâu dần sẽ gây nên biến đổi không thể hồi phục được. 

Các thói quen xấu gây ảnh hưởng tới bộ răng của trẻ nhỏ

MÚT NGÓN TAY

Mút ngón tay là một phản xạ sinh lý thần kinh – cơ hết sức bình thường, được hình thành từ thời kỳ bào thai, duy trì sau khi sinh và là phản xạ mang tính sinh tồn của trẻ. 25 – 50% trẻ em trong độ tuổi 3 – 6 tuổi có thói quen mút ngón tay. Con số này giảm nhanh và thường chấm dứt trước 5 tuổi, đến 6 tuổi, con số này chỉ còn 15-20%, từ 9-14 tuổi thì chỉ còn dưới 5%.

Nhưng khi trẻ duy trì thói quen khi đã lớn có thể dẫn đến sự thay đổi cung răng , khớp cắn, cấu trúc quanh răng, hệ thống cơ…Ngoài ra, Friman và cộng sự còn phát hiện được trẻ em mút ngón tay khi đã đi học thì mức độ nhận thức xã hội thấp hơn so với những trẻ không mút ngón tay. 

Mức độ trầm trọng sẽ phụ thuộc tần suất, cường độ và thời gian thực hiện thói quen, cũng như vị trí đặt ngón tay trong miệng.

Ví dụ: Nếu trẻ mút ngón tay với lực mạnh tần suất thấp, không liên tục thì cũng không gây di chuyển răng. Nhưng nếu thời gian kéo dài 4-6h/ngày và liên tục thì dù với lực nhẹ cũng gây nên những chuyển động đáng kể.

Vì mút ngón tay thường chỉ diễn ra khi trẻ ở một mình, do đó cha mẹ cần bí mật quan sát hành vi lúc trẻ chơi một mình, ví dụ như thông qua video, thông qua cửa sổ quan sát hoặc kiểm tra đột xuất không thông báo trước.

Trên lâm sàng chúng ta có thể quan sát thấy các triệu chứng sau.

Tác động xấu tới hàm trên:

– Răng cửa trên mọc nghiêng về phía môi do vị trí ngón tay đặt gây ra lực tác động, đồng thời do sự co của cằm, môi và lưỡi càng làm tăng độ cắn chìa, cắn hở.

– Răng cửa bị thưa

– Cung răng hàm trên hẹp phía trước, khiến cung hàm trên có dạng chữ V do sự mất cân bằng cơ

– Nguy cơ sang chấn răng cửa trên do độ chìa của chúng lớn

– Khám ngón tay của trẻ thấy ngón tay bị mút to hẳn ra, dẹt và ướt. đây là dấu hiệu để bác sĩ khẳng định mà chưa cần phải hỏi trẻ hoặc bố mẹ.

Hàm dưới: Các răng cửa dưới nghiêng về phía lưỡi, có thể xuất hiện khe thưa, xương hàm dưới bị lùi.

THỞ MIỆNG

Đây là thói quen thở qua miệng thay vì mũi. Thói quen xấu này cực kỳ ảnh hưởng đến chức năng cơ – thần kinh, tới cấu trúc khuôn mặt và rối loạn hệ thống cơ. Thở miệng làm phá vỡ cân bằng áp lực về răng – mặt và xương hàm như: Làm thay đổi vị trí xương hàm dưới, vị trí lưỡi, các răng phía sau trồi lên làm mặt dài ra, gây ra hở khớp cắn, tăng độ cắn chìa.

Nguyên nhân thở miệng: Do tắc nghẽn, do thói quen, do giải phẫu. Trong đó 85% là do có tắc nghẽn đường thở, thường là do có sự phì đại amidan mạn tính (viêm VA) gây cản trở thông khí. Lâu dần thành thói quen, thì kể cả khi không có tắc nghẽn đường thở bằng mũi, trẻ vẫn duy trì thói quen thở miệng.

Triệu chứng: Khuôn mặt VA –  mặt dài và hẹp, mũi hếch, tầng mặt dưới ngắn và hẹp, hàm dưới tụt ra sau, môi lúc nào cũng hở, phải gắng sức sức mới khép được môi, môi dưới dày và trề xuống dưới.

Đặc điểm về cung răng:

– Cung hàm trên hẹp

– Răng cửa hàm trên nhô ra trước nhiều, độ cắn chìa lớn

– Răng cửa hàm dưới có thể ngả ra sau

– Cắn hở phía trước: Vùng răng phía trước 2 hàm không chạm vào nhau

– Lợi: viêm lợi vùng răng cửa hàm trên do mô lợi liên tục tiếp xúc với không khí khô

Đặc điểm về tư thế cơ thể: Những trẻ thở miệng mãn tính thường có đầu nghiêng về phía sau, lưng hơi gù ra trước, vai hạ thấp.

THÓI QUEN ĐẨY LƯỠI

Đẩy lưỡi là thói quen đẩy lưỡi ra trước và tỳ vào các răng trước hoặc lưỡi nằm ở giữa các răng trước khi nuốt, khi phát âm hoặc ở trạng thái nghỉ. 

Theo nghiên cứu, có tới 97% trẻ sinh ra có thói quen đẩy lưỡi, con số này giảm xuống còn khoảng 80% khi trẻ 5 – 6 tuổi, và giảm còn 30% khi trẻ 12 tuổi. đẩy lưỡi sẽ có thể hoàn toàn chấm dứt khi trẻ hoàn thiện cơ chế nuốt, thường là khi chuyển dạng thức ăn từ lỏng sang đặc.

Khi trẻ đã lớn hoặc ngay cả ở người trưởng thành nếu còn duy trì thói quen này thì gây ra tật đẩy lưỡi. tình trạng này gây ra cắn hở và hô các răng phía trước. 

Thế nào là nuốt bình thường?

Khi nuốt lệch, thay vì áp sát lên vòm khẩu cái cứng, lưỡi sẽ đẩy tràn giuwax hai cung hàm ra trước, tỳ vào các răng. Và hậu quả là: 

Các răng phía trước hàm trên ngả môi

– Xuất hiện khe hở giữa các răng

– Hẹp cung hàm

– Răng cửa hàm dưới ngả lưỡi

  Tăng độ cắn chìa

Cắn hở vùng răng trước, thậm chí có thể cắn hở cả vùng răng hàm nếu có đẩy lưỡi phía bên

Phát âm một số âm bị sai, bị cản trở. Thường là những âm cần đặt lưỡi vào giữa như: /s/, /z/, /sh/, /n/, /th/…

Do lưỡi đặt sai vị trí, ảnh hưởng đến chuyển động của xương hàm dưới, lâu dần có thể dẫn tới rối loạn khớp thái dương hàm với những triệu chứng như: đau, tiếng kêu khớp.

Những trẻ có tật đẩy lưỡi có thể đi kèm với thói quen thở miệng hoặc mút ngón tay. Quan sát những trẻ này thường thấy ở trạng thái nghỉ như khi trẻ đang đọc sách, xem tivi thì trẻ vẫn mở miệng, lưỡi đẩy ra ngoài

NHỮNG THÓI QUEN XẤU Ở MÔI

Các thói quen xấu gồm: thường xuyên liếm môi, cắn môi, mím môi. Thói quen này thường gặp ở trẻ nhỏ mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi.

Mặc dù phần lớn thói quen môi không gây ra những vấn đề nghiêm trọng về răng miệng, tuy nhiên mút môi và cắn môi có thể gây ra tình trạng lệch lạc khớp cắn nếu duy trì với lực trung bình và thời gian kéo dài.  Nguyên nhân gây gói quen xấu ở môi: 

– Do thói quen

– Do stress tâm lý

– Xuất hiện sau khi ngưng các thói quen xấu khác như mút ngón tay

Biểu hiện trên lâm sàng:

– Môi dưới nằm gọn giữa các răng cửa trên và dưới, in dấu răng cửa hàm trên lên môi dưới, trương lực cơ cằm tăng.

– Môi và tổ chức xung quanh bị viêm đỏ, nứt nẻ. Nặng hơn có thể gây đau nhức, trầy trợt da, khô da hoặc là chốc quanh miệng. 

Trên răng:

–   Răng cửa trên chìa ra trước về phía môi, thưa các răng cửa, tăng nguy cơ gây chấn thương

–   Răng cửa hàm dưới đổ vào phía lưỡi và chen chúc răng

–   Sai khớp cắn loại II, tăng độ cắn chìa

–   Cắn hở vùng răng cửa do môi đặt vị trí giữa răng cửa trên và dưới làm cản trở sự cắn khớp

–   Cung hàm trên bị hẹp

–  Với trường hợp trẻ có thói quen mút hoặc cắn môi trên thường kết hợp đẩy hàm dưới ra trước gây khớp cắn ngược

THÓI QUEN NGHIẾN RĂNG

Nghiến răng xảy ra không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ nhỏ, khi mà trẻ nghiến chặt răng hai hàm lại với một lực rất mạnh, thường xảy ra khi trẻ đang ngủ, tuy nhiên có thể ngay cả khi trẻ còn thức thói quen này cũng xảy ra

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thói quen này, trong đó việc “giải toả stress” là một trong những nguyên nhân lớn nhất đã được nghiên cứu khoa học.

Một vài trường hợp khi trẻ nghiến mạnh quá gây ảnh hưởng như mòn răng, đau mặt, đau vai- cổ – gáy thì cần được theo dõi, can thiệp, tránh để tình trạng nặng thêm.

HỘI CHỨNG SÂU RĂNG DO BÚ BÌNH

Đây là tình trạng sâu sớm nhiều răng, thường gặp ở trẻ 2 – 4 tuổi, đặc trưng là sâu răng tiến triển và lan nhanh, có liên quan đến thói quen bú bình với các sản phẩm có đường liên tục kéo dài.

Nguyên nhân: Thường do cách chăm sóc chưa đúng của cha mẹ như cho trẻ bú bình khi đang ngủ, trẻ bú quá nhiều lần trong ngày với thời gian kéo dài, việc vệ sinh răng miệng kém gây lắng đọng mảng bám, vi khuẩn lên men sinh acid phá hủy men răng của trẻ.

Triệu chứng: Các răng cửa trên bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nhất, đầu tiên tổn thương có dạng một dải màu trắng – là dải mất khoáng của men răng xuất hiện dọc theo đường viền nướu. Sau đó các tổn thương này phát triển màu nâu/đen, thân răng có thể bị phá huỷ hoàn toàn, gây mất chức năng ăn nhai cũng như thẩm mỹ của trẻ. 

Phương pháp điều trị các thói quen xấu ở miệng

+ Loại bỏ nguyên nhân: Chúng ta cần tìm hiểu các yếu tố nguyên nhân tại chỗ, toàn thân, các yếu tố tâm lý gây nên những thói quen xấu ở trẻ. Cần điều trị vấn đề tâm lý đầu tiên trước khi điều trị về thói quen.

+ Sau khi đó cần phải căn cứ vào mong muốn và sự hợp tác của trẻ để có biện pháp điều trị thích hợp.

–  Đầu tiên, cần trao đổi, thảo luận với trẻ một cách nhẹ nhàng để hiểu được tâm tư, suy nghĩ của trẻ, vì sao trẻ lại có thói quen xấu như vậy. Đặc biệt cần thảo luận với trẻ về hậu quả của thói quen này nếu trẻ tiếp tục duy trì. Việc thảo luận không chỉ giữa các bác sĩ với trẻ mà còn giữa bố mẹ với trẻ nên diễn ra như một cuộc thảo luận, khi trẻ hiểu được, nhận thức được thì sẽ từ bỏ được thói quen này.

–  Điều trị nhắc nhở: Được áp dụng cho những trẻ mong muốn từ bỏ thói quen nhưng cần thêm một chút hỗ trợ. Ví dụ trong trường hợp trẻ có tật xấu là mút ngón tay cái, sau khi trao đổi, thảo luận thấy rằng trẻ có mong muốn từ bỏ thói quen. Tuy nhiên đôi khi trẻ quên điều đó do vậy cần thêm biện pháp hỗ trợ như sử dụng tấm bọc ngón tay để nhắc nhở trẻ không mút ngón tay nữa.

– Treo giải thưởng: Khi trẻ đã thực hiện tốt chúng ta có thể động viên trẻ bằng những lời khen, những món quà nhỏ để khích lệ, cổ vũ trẻ tiếp tục từ bỏ thói quen xấu

–  Phương pháp cưỡng chế: Khi tất cả các phương pháp trên thực hiện đều không mang lại một hiệu quả nhất định, trẻ vẫn tiếp tục duy trì thói quen cũ, chúng ta cần một phương pháp mạnh hơn để buộc trẻ phải từ bỏ thói quen đó.

Ví dụ: Chúng ta sẽ sử dụng các khí cụ chặn lưỡi gắn chặt lên răng, vừa có tác dụng ngăn cản trẻ đẩy lưỡi, vừa có tác dụng không cho trẻ mút ngón tay. Trường hợp trẻ có thói quen mút môi, ta có thể sử dụng các tấm chặn môi.

Trường hợp trẻ có thở miệng có thể sử dụng oral screen hoặc hàm trainer để ngăn cản việc trẻ thở miệng. Tuy nhiên với những trẻ thở miệng, thường nguyên nhân liên quan đến bít tắc hệ thống đường thở mà điển hinh là phì đại amidan, do đó cần đưa trẻ đi thăm khám, có các biện pháp khai thông đường thở triệt để ví dụ như cắt bỏ amidan phì đại.

Trên đây là những kiến thức bổ ích về những thói quen xấu ở vùng miệng mà trẻ hay gặp phải, nguyên nhân, hậu quả cũng như cách phòng tránh. Hy vọng các ông bố bà mẹ hãy chú ý để phát hiện ra những triệu chứng của trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám và cho lời khuyên cũng như cách điều trị kịp thời cho trẻ, tránh kéo dài gây ra những sai lệch khó hồi phục đối với sức khỏe răng miệng cũng như toàn thân của trẻ.  

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục